TP HCM: Nông dân với kỹ thuật nuôi tôm trong phố thành tỷ phú

Một nông dân nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đã đưa tôm vào phố để nuôi và làm giàu từ đó.

Đó là ông Phạm Thanh Minh (SN 1970, ngụ ấp 2 xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM) với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên 8.000m2 mặt ao thuê, cho thu nhập khoảng 600-800 triệu đồng/năm.

Đưa tôm về nuôi ở đất lúa

Trong cơ ngơi khá bề thế nằm ở vùng đất lúa đang chuyển dần lên đô thị, ông Minh kể lại: “Năm 1990 tôi học trung cấp Thủy sản Phú Lâm, tốt nghiệp tôi làm tại Công ty đông lạnh Hùng Vương 1, lúc đó công ty này liên kết với công ty Nhật Bản chuyên nuôi tạo tôm giống. Thời gian làm việc, tôi may mắn được tham gia quy trình vận hành, xử lý sản xuất tôm giống”.

Khi công ty giảm biên chế, ông Minh nghỉ việc, về nhà nuôi gà công nghiệp trên 2.000m2 đất của cha mẹ.

“Lúc đầu tôi nuôi vài trăm con gà, năm 2000 tăng lên 8.000 con (gà đẻ trứng và thịt). Năm 2003, do ảnh hưởng dịch H5N1, trạm thúy y khuyến cáo phải thay đổi mô hình chăn nuôi, nếu không chuyển đổi, khi gà bị dịch H5N1, tiêu hủy sẽ không được hỗ trợ, vì vậy tôi hủy hết đàn”, ông Minh kể tiếp.

Sau khi hủy trại gà, làm gì tiếp theo là vấn đề nan giải, vì vùng đất Đa Phước là đất lúa chỉ trồng được 1 vụ/năm, phải mất một thời gian suy tính, ông Minh có quyết định táo bạo là nuôi tôm trên đất lúa. Đầu năm 2004, ông Minh vay mượn tiền của anh em để đào ao, mua bạt, tôm giống nuôi trên 2.000m2 đất nhà. Thấy ông Minh nuôi tôm, nhiều cho là không thực tế, nhưng ông Minh mặc kệ.

“Vụ đầu tôi thả 20.000 tôm giống, sau 20 ngày tôm chết hết, lỗ vốn. Lúc đó tôi đấu tranh tư tưởng dữ lắm, vì mới khởi nghiệp bằng nghề được học nhưng thất bại. Sau đó, tôi quyết định ra tỉnh Khánh Hòa học tập các anh ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, được hướng dẫn tận tình kỹ thuật nuôi tôm trên đất lúa”, ông Minh nhớ lại.

Ông Phạm Thanh Minh bên ao tôm của gia đình.

Ông Phạm Thanh Minh bên ao tôm của gia đình.

Những kỹ thuật ông Minh được hướng dẫn: cách xây bể nuôi, lót bạt thế nào rồi mới thả tôm post (tôm giống loại hậu ấu trùng), đưa nước từ ao lên thùng đặt trên bể rồi cho nước rỉ giọt xuống bể theo ống (như truyền đạm cho người) để hạ độ mặn cho post quen dần với nước ao…

Khi đã nắm vững kỹ thuật, ông Minh nuôi tôm sú vụ thứ 2 vào cuối năm 2004. Sau 3 tháng, ông Minh thu được 1,2 tấn tôm/2.000m2 ao, loại size 50 con/kg. “Đây là kết quả tuyệt vời vì từ năm 2005 trở về trước, ở xã Đa Phước chưa ai làm được. Vụ tôm này trừ chi phí, tôi lời 80 triệu đồng (thời điểm đó vàng có giá 16 triệu đồng/lượng). Hồi đó ở huyện Bình Chánh cũng như Hội Nông dân TP HCM không ai tin ở xã Đa Phước nuôi được tôm, vì theo mặc định chỉ có huyện biển Cần Giờ mới nuôi được”, ông Minh hào hứng nói.

Nắm vững kỹ thuật, thành công luôn đến

Thừa thắng xông lên, ông Minh trả hết nợ rồi thuê thêm 9.000m2 ở gần nhà để nuôi tôm. Vì nuôi tôm thương phẩm phải phụ thuộc vào thị trường, đặc biệt phát triển kinh tế gia đình là trên hết nên ông Minh bỏ dần con tôm sú (6 tháng/vụ), chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (tháng/vụ), mỗi năm ông Minh nuôi 3 vụ, thời gian còn lại để tái tạo ao (sát trùng, sửa chữa ao).

Mỗi vụ tôm, ông Minh thả 300.000 - 400.000 con post (giá 110 đồng/con) mua tận tỉnh Khánh Hòa hoặc Ninh Thuận.

Để post đạt tỉ lệ sống cao nhất, ông Minh chia sẻ: “Cốt lõi làm sao con giống quen dần với nước ao mình nuôi, nguồn nước nhà tôi bơm từ sông Cần Giuộc đưa vào ao lắng để nước đạt độ mong muốn, sau đó cho nước từ ao lắng chảy vào ao nuôi (đào thấp hơn ao lắng). Đối với con post, do chở từ Khánh Hòa vào TP HCM mất 5-6 tiếng, lúc đó tôm đã mệt, phải thả vào hồ cho ăn cho đến khi thấy tôm bơi lội, phản xạ bình thường, mới hạ độ của nước ao xuống. Để hạ 1 độ mặn mất 3 tiếng, công đoạn này mất mấy ngày (post mua ở Khánh Hòa sống ở độ mặn từ 22 - 25/1.000, còn ở Đa Phước nước có độ mặn chỉ 6/1.000). Muốn đo độ mặn phải dùng máy khúc xạ kế, dùng test pH đo nồng độ mình mong muốn, khi thả post xuống ao sẽ tương thích với nước”.

Nhiều hộ nông dân ở xã Đa Phước tìm đến ông Minh để học hỏi kỹ thuật nuôi, cách lắng lọc xử lý nước, cải tạo ao, vận hành máy, chế biến thức ăn cho tôm…

Nhiều hộ nông dân ở xã Đa Phước tìm đến ông Minh để học hỏi kỹ thuật nuôi, cách lắng lọc xử lý nước, cải tạo ao, vận hành máy, chế biến thức ăn cho tôm…

Khi thấy ông Minh liên tục “thắng” nhiều vụ tôm, vì chỉ với 8.000m2 mặt ao, cho thu hoạch từ 4-5 tấn tôm/vụ (từ 12-15 tấn/năm), lợi nhuận bình quân 800 triệu đồng/năm, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy nhiều hộ nông dân ở xã Đa Phước tìm đến học hỏi kỹ thuật nuôi, cách lắng lọc xử lý nước, cải tạo ao, vận hành máy, chế biến thức ăn cho tôm…

Góp phần xây dựng thành công Nông thôn mới

Cũng theo ông Minh, vì phụ thuộc vào thị trường, ví như thương lái cần size 100 con/kg, bán cho người tiêu dùng là công nhân, lao động thì người nuôi chỉ nuôi đến cỡ 100 con tôm/kg, thì xuất ao; nếu chợ cần size 30 con/kg, nuôi thêm 1 tháng, hoặc 15-20 con/kg thì tăng thời gian nuôi để bán theo yêu cầu.

Trước sự phát triển về số hộ nuôi tôm cũng như diện tích nuôi, nhưng “mạnh ai nấy làm”. Từ năm 2015, UBND xã Đa Phước cho thành lập tổ hợp tác chăn nuôi tôm để góp phần cùng địa phương cơ bản hoàn thành tiêu chí 13 trong 19 tiêu chí của Xã nông thôn mới giai đoạn 2012-2015, đến năm 2020 tổ hợp tác có 30 hộ nuôi tôm thâm canh. Để hỗ trợ nông dân, vào mỗi vụ nuôi, Chi cục thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM đều cử chuyên viên xuống lấy mẫu nước test xem có dư lượng kháng sinh hay không, có phát sinh bệnh gì mới trên tôm hay không…

Từ khi có tổ hợp tác, nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho tổ viên, ông Minh bỏ tiền đầu tư phòng Flash để kiểm nghiệm mẫu nước, kiểm khuẩn, kiểm tảo…, miễn phí cho các hộ trong tổ hợp tác. Ngoài ra, ông Minh còn đến tận ao tôm của tổ viên, cũng như ai cần để tư vấn kỹ thuật cho họ và giới thiệu nơi tiêu thụ; không những vậy, ông Minh còn hỗ trợ 2 triệu con post (trị giá 120 triệu đồng) vào năm 2019 cho 10 tổ viên để họ sản xuất, cho mượn vốn, hóa chất để vệ sinh ao… đến khi nào nuôi thành công, bán sản phẩm mới trả tiền.

Ông Nguyễn Hữu Diền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 75 hộ nuôi tôm trên diện tích khoảng 35ha. Từ khi nuôi tôm, hầu hết những hộ này đều có đời sống kinh tế khá giả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sau dịch, giá tôm bị hạ đến vài chục ngàn đồng/kg, nên người nuôi tôm chỉ hòa vốn.

Ông Phạm Thanh Minh nói về phương pháp xử lý nước ao nuôi tôm.

Yến Thanh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tp-hcm-nong-dan-voi-ky-thuat-nuoi-tom-trong-pho-thanh-ty-phu-1972826.html