TP.HCM phân công triển khai loạt dự án giao thông huyết mạch, đẩy nhanh kết nối vùng
Trong nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, UBND TP.HCM vừa giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành, nhằm chuẩn bị đầu tư và huy động nguồn lực triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính yếu của Thành phố. Cùng với đó là các bước chuẩn bị cho hệ thống đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội.
Ưu tiên 3 tuyến trục chính: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và trục Bắc - Nam
Trong số các dự án vừa được phân công triển khai, 3 tuyến huyết mạch được ưu tiên gồm: Quốc lộ 1 (nay là đường Lê Khả Phiêu), Quốc lộ 13 và trục đường Bắc - Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ). Các dự án đều theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, kết hợp sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật.
Dự án nâng cấp Quốc lộ 1 dài 9,62km, mở rộng mặt cắt ngang lên 60m, cho phép từ 10-12 làn xe. Tốc độ thiết kế đạt 80km/h cho tuyến chính và 60km/h cho hai đường song hành. Tổng mức đầu tư ước khoảng 16.285 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi khoảng 9.611 tỷ đồng cho công tác bồi thường, tái định cư.
Dự án chia thành 3 phần: Dự án thành phần 1 và 2 bao gồm giải phóng mặt bằng tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 theo hình thức BOT, do Sở Giao thông công chánh chuẩn bị.

Dự án nâng cấp trục Bắc - Nam dài khoảng 8,6km, mở rộng mặt đường lên 60m, bố trí 10 làn xe. Tổng vốn dự kiến gần 9.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách chiếm gần một nửa (4.680 tỷ đồng).
Trong đó, dự án thành phần 1 bao gồm giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các nút giao lớn như Nguyễn Văn Linh - cao tốc Bến Lức - Long Thành, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2: Thi công theo hình thức BOT, Sở Giao thông công chánh làm đơn vị chuẩn bị dự án.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (qua TP. Thủ Đức) có chiều dài 5,9km, tốc độ thiết kế tương đương các tuyến trên. Tổng vốn đầu tư lên tới gần 21.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi gần 14.620 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 bao gồm công tác giải phóng mặt bằng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức phụ trách. Dự án thành phần 2: Thi công theo hình thức BOT, Sở Giao thông công chánh chuẩn bị dự án.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, cho phép Thành phố được đầu tư BOT với công trình nâng cấp, mở rộng đường.
Dự án sẽ thu hút được các nhà đầu tư vào triển khai trong thời gian rút ngắn, vốn ngân sách tham gia tỉ lệ 70% (giải phóng mặt bằng), còn vốn nhà đầu tư chiếm 30% dành để xây dựng tuyến đường theo hình thức BOT.
UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng tiến độ, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai.
Giao nhiệm vụ triển khai mạng lưới đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188
Song song với hạ tầng đường bộ, TP.HCM cũng đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho hệ thống đường sắt đô thị, trụ cột giao thông trong tương lai gần. Cụ thể, UBND TP.HCM vừa giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị làm chủ đầu tư các tuyến thuộc Danh mục mạng lưới đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188/2025/QH15.

Các tuyến được giao nghiên cứu và triển khai bao gồm: Tuyến số 1 mở rộng: Bến Thành - An Hạ (nối dài từ tuyến hiện hữu Bến Thành - Suối Tiên); Tuyến số 2: Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương- Củ Chi; Tuyến số 3: Hiệp Bình Phước - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ; Tuyến số 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Hiệp Phước; Tuyến số 5, 6, 7: Kết nối các khu vực phía Đông - Tây - Nam Thành phố, liên thông các đô thị vệ tinh và Khu công nghệ cao.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị có trách nhiệm lập kế hoạch bố trí vốn trung hạn cho giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035; xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hằng năm; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu khả thi, thiết kế tổng thể (FEED), và thủ tục trình phê duyệt đầu tư.
Đặc biệt, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ sớm hoàn thành các thủ tục kết thúc chủ trương đầu tư theo quy định đối với nguồn vốn ODA.
TP.HCM yêu cầu các đơn vị xây dựng tiến độ chi tiết từng tháng, từng quý, đảm bảo triển khai đồng bộ, chất lượng, đúng mục tiêu đề ra. Mọi khó khăn phát sinh phải được báo cáo kịp thời, đề xuất phương án xử lý trình UBND Thành phố xem xét, tháo gỡ.
Theo kế hoạch đến năm 2035, TP.HCM sẽ có 355km đường sắt đô thị. Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội cho Thành phố nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực đầu tư cũng như triển khai các nhiệm vụ khác.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15, trong đó xác định các nhóm công việc chính như: Xây dựng văn bản cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết; huy động vốn và bố trí vốn đầu tư; chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực...