TP.HCM phát động phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số'
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số' trên địa bàn Thành phố, nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phong trào mang ý nghĩa chiến lược, không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực, mà còn thể hiện lời hiệu triệu mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, giới doanh nhân, nhà khoa học, trí thức, học sinh, sinh viên và toàn thể Nhân dân Thành phố cùng nỗ lực chung tay thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030.
Theo đó, phong trào thi đua được triển khai với nhiều nội dung trọng tâm. Trước hết là thi đua nâng cao nhận thức, đột phá tư duy, đổi mới phương pháp tiếp cận trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo, phương thức quản trị và mô hình điều hành, từ hình thức truyền thống sang vận hành trong không gian số, dựa trên nền tảng dữ liệu số.

Đồng thời, hoạt động tuyên truyền sẽ được gắn kết chặt chẽ với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các cấp, ngành và địa phương.
Song song đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh thi đua phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nhất là hạ tầng số và công nghệ số, đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, an toàn, an ninh và hiệu quả, tránh lãng phí.
Thành phố cũng đặt trọng tâm vào việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, ngành nghề, cơ quan, đơn vị; đồng thời rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động số hóa và khuyến khích doanh nghiệp tham gia nền kinh tế số, phát triển xã hội số.
Ngoài ra, TP.HCM cũng khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Một nội dung đặc biệt quan trọng trong phong trào là thi đua đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính trị, hướng tới xây dựng Chính phủ số; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong môi trường số; tăng cường kết nối, vận hành thông suốt các cơ quan từ Thành phố đến cơ sở; đồng thời khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên và dữ liệu số phục vụ công tác điều hành, quản trị.
Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số thông qua việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Thành phố.
Bên cạnh đó, thi đua phát triển xã hội số sẽ được triển khai thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và kỹ năng công nghệ số trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng đến các nhóm dân cư cơ bản thông qua phong trào “Bình dân học vụ số”, từ đó hình thành nguồn nhân lực số đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ thi đua bảo đảm an toàn và an ninh mạng, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng nguyên tử, công nghệ lượng tử và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.
Trong quá trình triển khai, UBND TP.HCM yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, bảo đảm phát huy năng lực số, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo một cách thiết thực và hiệu quả.
Phong trào cần được tổ chức đồng bộ, xuyên suốt từ Thành phố đến cơ sở, với hình thức triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.
Đồng thời, TP.HCM sẽ chú trọng công tác phát hiện, tuyên dương và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các tập thể và cá nhân có sáng kiến nổi bật, có đóng góp tiêu biểu trong triển khai phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Song song đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội về vai trò then chốt của khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển Thành phố theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững.
Đối tượng tham gia phong trào gồm cả tập thể và cá nhân. Về tập thể, bao gồm các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc Thành phố, các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và các tổ chức hợp pháp đang hoạt động trên địa bàn.
Về cá nhân, phong trào thu hút sự tham gia của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động, doanh nhân, nhà khoa học, trí thức, học sinh, sinh viên và toàn thể Nhân dân TP.HCM.
Thời gian triển khai phong trào thi đua kéo dài từ nay đến ngày 31/12/2030 và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2027), các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai cụ thể cho năm 2025; hàng năm tổ chức thực hiện gắn với các phong trào thi đua chuyên đề và chủ đề năm, đồng thời tiến hành sơ kết, đánh giá vào quý II/2027; UBND TP.HCM tổ chức sơ kết cấp Thành phố vào quý III/2027.
Giai đoạn 2 (từ năm 2027 đến năm 2030), căn cứ kết quả sơ kết giai đoạn đầu, các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua và tiến hành tổng kết vào quý II/2030; UBND TP.HCM thực hiện tổng kết cấp Thành phố vào quý III cùng năm.