TP.HCM phạt hơn 1,4 tỷ đồng với 82 vụ bán nước hoa giả

Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 82 vụ vi phạm, tạm giữ gần 32.000 chai nước hoa các loại và xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng.

 Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ gần 32.000 chai nước hoa các loại với tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Ảnh: CACC.

Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ gần 32.000 chai nước hoa các loại với tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Ảnh: CACC.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết nước hoa nói riêng và mỹ phẩm nói chung là một trong những mặt hàng trọng điểm được Chi cục Quản lý thị trường đưa vào kế hoạch kiểm tra công tác hàng năm.

Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 82 vụ vi phạm, tạm giữ gần 32.000 chai nước hoa các loại với tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Qua đó, xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Qua quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận công tác này còn gặp khó khăn do việc phân biệt nước hoa thật và giả ngày càng phức tạp. Nguyên nhân là công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, từ bao bì, tem mác đến mùi hương.

Đơn vị này cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ đến từ các nhãn hiệu hoặc đại diện nhãn hiệu trong công tác giám định.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh nước hoa giả hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ mang lại lợi nhuận lớn, do giá mua vào thường rất thấp. Dù bán rẻ hơn hàng thật nhiều lần, người bán vẫn thu lợi nhuận cao. Điều này đủ sức hấp dẫn để các tiểu thương chấp nhận rủi ro khi bị phạt.

Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, nguồn gốc hàng hóa hiện nay còn phức tạp. Nước hoa giả có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập lậu qua nhiều kênh khác nhau, gây khó khăn trong việc truy vết. Nhiều người bán không chỉ bán tại cửa hàng mà còn qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, gây khó khăn cho việc kiểm soát và xử lý.

Tại các cửa hàng, nhiều trường hợp chỉ trưng bày hàng thật hoặc số lượng hàng hóa rất ít, trong khi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc được cất trữ ở nơi khác, dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.

Sở Công Thương TP.HCM cho rằng sự thiếu hợp tác từ người tiêu dùng cũng là một trở ngại. Một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, dù biết là hàng giả nhưng vẫn chọn mua vì rẻ, hoặc muốn sở hữu sản phẩm giống hàng hiệu trong khi không đủ khả năng tài chính.

Trong khi đó, một số người khi mua phải hàng giả lại không tố giác hoặc không cung cấp đủ thông tin cho cơ quan chức năng, khiến việc điều tra càng thêm khó khăn.

Trả lời về phản ánh cửa hàng Da Màu (212A Nguyễn Trãi, phường Cầu Ông Lãnh), nơi đang bày bán nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Dior, Hermès, Louis Vuitton... với mức giá thấp hơn hàng chính hãng hoặc không có tem nhãn rõ ràng, Sở Công Thương TP.HCM cho biết cơ sở này được Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thường xuyên giám sát.

 Cửa hàng Da Màu đăng bán nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng trên mạng xã hội. Ảnh: Da Màu.

Cửa hàng Da Màu đăng bán nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng trên mạng xã hội. Ảnh: Da Màu.

Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm đối với các cửa hàng trong chuỗi Da Màu trên địa bàn TP.HCM; tạm giữ 7.192 đơn vị sản phẩm tang vật vi phạm với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng; xử phạt lên tới 600 triệu đồng.

Cụ thể, năm 2022, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra 14 vụ, tạm giữ 6.763 đơn vị sản phẩm, tang vật vi phạm với tổng trị giá hơn 3,6 tỷ đồng, xử phạt hơn 454 triệu đồng.

Sau đó, cửa hàng Da Màu bị chuyển cơ quan điều tra nhằm tiếp tục điều tra 6 vụ có dấu hiệu tội phạm. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố một vụ và tiếp tục điều tra 5 vụ khác, bao gồm cả vụ việc liên quan đến cửa hàng tại số 212A Nguyễn Trãi, phường Cầu Ông Lãnh.

Đến năm 2024, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tiếp tục kiểm tra 3 vụ, tạm giữ 429 đơn vị sản phẩm tang vật vi phạm với tổng trị giá hơn 183 triệu đồng, xử phạt 154 triệu đồng.

Riêng với cửa hàng Da Màu tại địa chỉ 212A Nguyễn Trãi, phường Cầu Ông Lãnh, đơn vị này cho biết đã kiểm tra, xử lý vào tháng 11/2022 và tạm giữ 509 đơn vị sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá hơn 279 triệu đồng. Vụ việc đã được chuyền sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.

Trong 6 vụ chuyển điều tra, cơ quan chức năng đã có thông báo gửi Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM về việc khởi tố ông Ngô Văn Tiếng, chủ cửa hàng Da Màu tại địa chỉ số 207-209 Lê Văn Sỹ, phường Phú Nhuận.

Riêng 5 vụ chuyển điều tra còn lại, cơ quan điều tra chưa có thông báo khởi tố và vẫn tiếp tục điều tra, xử lý, trong đó có vụ việc cửa hàng Da Màu tại địa chỉ 212A, Nguyễn Trãi, phường Cầu Ông Lãnh.

Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh khi chưa có kết luận điều tra chính thức, một doanh nghiệp hoặc cá nhân vẫn được phép duy trì hoạt động kinh doanh nếu họ có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh hợp lệ.

Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, giảm sát các địa điểm có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vì các loại hàng hóa này tiềm ần nhiều rủi ro cho sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Thảo Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-phat-hon-1-4-ty-dong-voi-82-vu-ban-nuoc-hoa-gia-post1567596.html