TP.HCM: Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ cần có nhà vệ sinh công cộng

Tối 16.8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã cử đoàn trực tiếp kiểm tra, giám sát chuyên đề an toàn thực phẩm tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM).

Tại cuộc khảo sát, Trưởng phòng Y tế quận 10 Lê Hồng Tây cho biết phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ không để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và khách du lịch. Các cơ sở ăn uống chấp hành nghiêm việc lưu trữ sổ theo dõi nguồn gốc, khám sức khỏe, bảo hộ lao động, vệ sinh và đảm bảo 10 tiêu chí đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, người kinh doanh được tập huấn và được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP theo quy định.

Trưởng ban VH-XH Cao Thanh Bình cùng đoàn đang khảo sát nơi bán hải sản chế biến tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ

Trưởng ban VH-XH Cao Thanh Bình cùng đoàn đang khảo sát nơi bán hải sản chế biến tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ

Để ATTP được quản lý chặt chẽ hơn, UBND quận 10 kiến nghị Sở An toàn thực phẩm TP tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm tại các chợ đầu mối để đảm bảo an toàn đối với thực phẩm nông nghiệp, kiểm soát chất lượng thực phẩm, chất phụ gia, thực phẩm chức năng... lưu hành trên thị trường theo quy định.

Cần tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quận, phường, nhất là những lĩnh vực khó như: ôi khét dầu mỡ, hóa chất, phẩm màu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, nông sản thực phẩm.

Tại khảo sát, các thành viên của đoàn cho rằng phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ cần phải có nhà vệ sinh công cộng; vệ sinh môi trường; hướng dẫn tuyên truyền về chủ trương chính sách về vệ sinh ATTP cho các hộ kinh doanh; tăng cường tuyên truyền để người dân biết đến về phố ẩm thực này…

Ngoài ra, phải xây dựng phần mềm quản lý chung và triển khai cho tuyến quận huyện thực hiện, nhằm nâng cao công tác quản lý trong việc đảm bảo quản lý đầy đủ thông tin, dữ liệu cơ sở…

Kết luận tại khảo sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM ghi nhận và đánh giá cao phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ đã hoạt động kinh doanh đường phố hiệu quả trong thời gian qua.

Ông Bình đề nghị quận 10 tiếp tục vận động các hộ hoạt động kinh doanh đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông; đảm bảo vệ sinh môi trường, ATTP, an toàn phòng cháy chữa cháy; đồng thời vận động các hộ kinh doanh ký cam kết về thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo kinh doanh thức ăn đường phố.

Cần thực hiện xã hội hóa nơi giữ xe và nhà vệ sinh công cộng; tiếp tục đẩy mạnh tổ chức truyền thông các hoạt động tại phố ẩm thực trên diện rộng, thông qua hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu, thu hút người dân và khách du lịch đến tham quan ăn uống và mua sắm.

Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ hiện có 125 hộ kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống trên toàn tuyến 73B Hồ Thị Kỷ, hoạt động trong thời gian từ 17 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Tháng 12.2023, phố chuyên kinh doanh hoa và ẩm thực Hồ Thị Kỷ được Sở Du lịch công nhận là một trong “10 điểm mua sắm thú vị”.

Trước đó, rạng sáng 15.8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM có buổi khảo sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hiện có hơn 1.400 điểm kinh doanh với tổng số thương nhân là 945 người, kinh doanh chủ yếu là mặt hàng rau củ quả, trái cây và hoa. Cũng như các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, những điểm tự phát xung quanh chợ cũng là một thách thức đối với ban quản lý tại đây, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh trong chợ.

Các tiểu thương cho biết, việc họ phải trả tiền thuê, thuế và điện hằng tháng trong khi các chợ tự phát không phải chịu các khoản ấy đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Họ cũng chia sẻ rằng, trước đây, từ khi có nhiều chợ tự phát, số lượng nông sản bán ra giảm đến một nửa.

Tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM ghi nhận khó khăn, kiến nghị của các đơn vị, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức và địa phương trong công tác quản lý vệ sinh ATTP. Vấn đề chợ tự phát và môi trường tại chợ đang là một thách thức lớn, vì vậy đoàn đã đề nghị chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết.

Ông Bình nhấn mạnh, cần tăng cường cấm dừng, cấm đỗ để ngăn chặn việc buôn bán trái phép; đồng thời lắp đặt camera phạt nguội và thực hiện phạt liên tục. Nếu cho phép các chợ tự phát tồn tại bên ngoài chợ chính, cần đánh thuế cao và kiểm tra chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm. Hiện nay có đề án thu phí lòng lề đường, cần xem xét kỹ vị trí và cách thức thực hiện. Ngoài ra, việc kinh doanh không thể tránh khỏi gây rác thải, nhưng cần hạn chế sình bùn và phải đảm bảo vệ sinh bằng cách phun xịt rửa xe khi vào cổng.

Chợ đầu mối phải cung ứng hàng sạch thì mới có thể tạo ra vành đai an toàn cho sức khỏe của người dân, phải đảm bảo được an toàn thực phẩm thì các chợ bán lẻ trong TP mới có thể đảm bảo được.

Ánh Dương

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-pho-am-thuc-ho-thi-ky-can-co-nha-ve-sinh-cong-cong-222778.html