TP HCM: Phủ 100% vắc-xin cho người từ 18 tuổi
Từ nay đến cuối năm, TP HCM cần 8,1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 các loại để phủ mũi 2 cho toàn bộ hơn 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM vừa ban hành kế hoạch khẩn về tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại TP HCM. Kế hoạch đưa ra mục tiêu trong năm nay, TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố.
4 giai đoạn tiêm vắc-xin
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tính tới ngày 30-6, công dân từ 18 tuổi trở lên tại TP HCM là hơn 7,2 triệu người. Kế hoạch tiêm vắc-xin chia làm 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ ngày 29-8 đến ngày 5-9): TP HCM cần hơn 2,7 triệu liều để tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người để đạt tỉ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên. Trong giai đoạn này, TP HCM tiêm nhắc mũi 2 cho hơn 2 triệu người đã tiêm mũi 1, gồm: 733.000 người cần tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer; 485.000 người tiêm Moderna; 31.000 người tiêm Pfizer; 840.000 người tiêm Vero Cell. Số này sẽ tiêm trong thời gian từ ngày 6 đến 10-9.
Giai đoạn 2 (từ ngày 19 đến 30-9): TP HCM cần hơn 1,3 triệu liều vắc-xin để phủ mũi 1 cho 10% còn lại người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Đồng thời, tiêm nhắc mũi 2 cho khoảng 656.900 người đã tiêm mũi 1, gồm: 500.000 người cần tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người tiêm Moderna; 700 người tiêm Pfizer; 138.000 người tiêm Vero Cell.
Giai đoạn 3 (từ ngày 1 đến 15-10): TP HCM tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer.
Giai đoạn 4 (từ ngày 16-10 đến 31-12): tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 (từ ngày 29-8 đến 30-9) theo loại vắc-xin phù hợp.
Để đủ vắc-xin tiêm theo kế hoạch này, ngoài việc tiếp nhận nguồn vắc-xin từ Bộ Y tế, UBND TP HCM giao Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất UBND thành phố đàm phán và mua vắc-xin. Cùng với đó, TP HCM tiếp tục vận động nguồn vắc-xin được tài trợ từ các đơn vị, tổ chức.
Tổ chức tiêm như thế nào?
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cũng quy định trường hợp tiêm vắc-xin trong đợt này là toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vắc-xin, trong đó ưu tiên tiêm trước các nhóm sau: người cao tuổi; người bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú; lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm); lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm bảo đảm lưu thông...).
Việc tiêm vắc-xin cần qua các hình thức lưu động để tăng khả năng tiếp cận của người dân nhưng phải bảo đảm yêu cầu giãn cách, an toàn. Lực lượng y tế cần tổ chức, kết hợp đội xét nghiệm nhanh tầm soát cộng đồng để tiêm vắc-xin cho người dân sau khi có kết quả âm tính. Các địa phương cũng được yêu cầu tổ chức tiêm mũi 2 ngay khi có nguồn vắc-xin. Các cơ quan, tổ chức cần lên danh sách người đã tiêm mũi 1 gửi về UBND các quận, huyện, sở, ngành và đơn vị để tổng hợp nhu cầu, phối hợp tiêm.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cho biết từ ngày 8-3 đến hết 27-8, các đơn vị của thành phố đã tiêm 5.806.990 mũi vắc-xin, trong đó có 273.767 mũi 2.
Tại cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết mục tiêu của thành phố về kiểm soát dịch đến ngày 31-8 đã cơ bản đạt được. Không thể giãn cách mãi như Chỉ thị 16 nhưng nới lỏng hay không phải có điều kiện và một trong các điều kiện đó là tiêm vắc-xin. "Đến giờ chưa thể nói ngày 6-9 hay ngày 15-9 sẽ như thế nào, mà phải tập trung vào tiêm vắc-xin, gói an sinh, thực hiện chính sách chăm sóc cho các hộ khó khăn, tăng tốc xét nghiệm, chăm sóc F0 tại nhà" - ông Hải nhấn mạnh.
Bộ Y tế chưa nhận hồ sơ nhập vắc-xin Pfizer của Donacoop
Ngày 31-8, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết đơn vị này chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị cấp phép nhập khẩu liên quan đến 15 triệu liều vắc-xin Covid-19 Pfizer của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Donacoop ở Đồng Nai.
Theo ông Cường, chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế là luôn ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, các tỉnh, thành chủ động tìm, đàm phán, mua vắc-xin Covid-19 bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và có nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, ngoài hợp đồng của Công ty VNVC mua 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca từ năm 2020, đến nay mới chỉ có một doanh nghiệp gửi hồ sơ chính thức lên Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đăng ký nhập khẩu 2 loại vắc-xin mới.
Trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo Donacoop cho biết công ty đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer sẽ nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, đại diện Pfizer Việt Nam cho biết chưa từng làm việc với Donacoop, đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của hãng là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ các nước và tổ chức COVAX để cung ứng vắc-xin, không làm việc với doanh nghiệp tư nhân.