TP.HCM: Quản lý rác phát sinh từ hoạt động phòng chống COVID-19
UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc quản lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng chống dịch COVID-19.
Người dân còn lơ là phân loại rác
Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang được quản lý tại nhà bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Các loại chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của gia đình có người F0 thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.
Mặc dù đã có quy định về việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác lây nhiễm phát sinh tại nhà đối với người mắc COVID-19 nhưng thực tế hiện nay nhiều người vẫn thờ ơ trong việc thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Phượng (quận 12, TP.HCM) cho biết đến thời điểm này, có rất ít gia đình có người nhiễm COVID-19 phân loại rác theo quy định. Các gia đình có F0 vẫn bỏ chung rác thải lây nhiễm cùng với rác thải sinh hoạt thông thường. Do vậy, người thu gom vẫn gom chung và xử lý như rác thải thông thường. “Người dân không còn tâm lý lo sợ dịch như trước đây. Do vậy, quy định về việc phân loại rác lây nhiễm và rác thông thường dường như không ai thực hiện” - bà Phượng nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất (quận 12), trước đây địa phương đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại rác của người mắc COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân nhiễm COVID-19 không tuân thủ quy định này, chính vì vậy người thu gom rác không biết để xử lý đúng quy định.
UBND TP cũng giao Sở TN&MT theo dõi, kiểm tra các đơn vị xử lý rác y tế nguy hại đang hoạt động trên địa bàn, đảm bảo triển khai công tác vận chuyển, xử lý rác y tế nguy hại theo các quy định đã ban hành.
Yêu cầu giám sát
Để quản lý rác thải y tế phát sinh từ hoạt động phòng chống dịch COVID-19, UBND TP giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 và các loại rác y tế nguy hại khác theo những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ TN&MT. Việc giám sát này được thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương, tại hộ gia đình và các khu vực thuộc địa bàn quản lý có hoạt động phát sinh rác thải y tế, không để trộn lẫn với chất thải rắn sinh hoạt thông thường.
Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung theo quy định. Trong đó, chú trọng việc kiểm tra, phân loại, thu gom, bố trí các nguồn lực, tập kết rác, theo dõi thống kê khi chuyển giao rác y tế lây nhiễm... và các yêu cầu khác theo chức năng, nhiệm vụ đã được UBND TP phân công trong công tác quản lý rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại địa phương.
UBND TP cũng giao Sở TN&MT có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra các đơn vị có chức năng xử lý rác y tế nguy hại đang hoạt động trên địa bàn, đảm bảo triển khai công tác vận chuyển, xử lý rác y tế nguy hại theo các quy định đã ban hành. Bên cạnh đó, sở này phải có văn bản đề nghị các đơn vị xử lý rác y tế nguy hại thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong giấy phép hoạt động xử lý rác thải nguy hại do Bộ TN&MT cấp, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường và y tế hiện hành.
Sở Y tế TP được giao chủ trì thông tin, giải thích chuyên ngành và hướng dẫn chi tiết việc phân loại, bảo quản lưu giữ, khử khuẩn... các loại chất thải y tế của F0 phát sinh được cách ly tại nhà cho người dân TP nắm rõ thông tin triển khai…•
Xử lý rác của người nhiễm COVID-19 theo quy trình nghiêm ngặt
Tại TP.HCM, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) là đơn vị thực hiện xử lý rác thải y tế, rác thải của những người nhiễm COVID-19 theo đúng quy chuẩn bằng phương pháp đốt. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý loại chất thải đặc biệt này được công ty đảm bảo nghiêm ngặt theo quy trình, quy định và an toàn tuyệt đối.
Cụ thể, các công nhân thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải này được trang bị đồ bảo hộ đảm bảo theo tiêu chuẩn của ngành y tế. Chất thải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh.
Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) được phun xịt khử khuẩn. Rác thải khi vận chuyển về nơi xử lý tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa ra khỏi xe và tiếp tục được khử khuẩn trước khi vào lò đốt xử lý bằng công nghệ đốt hai cấp (buồng đốt sơ cấp và thứ cấp) ở nhiệt độ cao. Tro thải sau khi đốt được hóa rắn và chôn lấp tại hầm chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.