TP HCM quyết tâm xây dựng Cần Giờ 'xanh', phát triển bền vững
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định cam kết của lãnh đạo thành phố về quyết tâm xây dựng Cần Giờ 'xanh', phát triển bền vững.
Ngày 16/8, Viện nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) phối hợp UBND huyện Cần Giờ tổ chức hội thảo “Cần Giờ xanh - Hướng tới đô thị sinh thái ven biển”.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định cam kết của lãnh đạo thành phố về quyết tâm xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững.
Ông Phan Văn Mãi đánh giá, Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng ở tầm quốc gia. Bởi, đây là cửa ngõ phía Đông của TP HCM, nối ra biển, ra thế giới. Ngoài ra, Cần Giờ cũng có những giá trị tự nhiên, văn hóa rất độc đáo, rất cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Viện trưởng HIDS Trương Minh Huy Vũ cho biết, với tầm nhìn đến năm 2050, Cần Giờ có thể hình thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là điểm đến du lịch ven biển độc đáo và sôi động, bền vững mang bản sắc của địa phương, thu hút, liên kết các điểm tham quan các địa phương lân cận; phát huy lợi thế về vị trí, không khí trong lành, thiên nhiên trù phú để thành một ốc đảo đô thị “xanh” lý tưởng; trở thành đô thị kiểu mẫu trong tương lai.
Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng HIDS Trương Minh Huy Vũ cũng đưa ra đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện Cần Giờ về các lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; du lịch xanh và bền vững; năng lượng tái tạo; nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe; khoa học cộng đồng; đô thị thông minh; gắn kết cộng đồng; giám sát cộng đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã hiến kế để xây dựng Cần Giờ thành một đô thị có cấu trúc tốt, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Theo đó, cần đầu tư cho lưới điện, trạm và hạ tầng truyền tải điện. Phát triển nhiều hồ chứa nước ngọt, nước mưa để dự phòng cung cấp nước, tiết kiệm nguồn nước mưa cho PCCC và nông nghiệp.
Cùng với đó, Cần Giờ cần trồng thêm rừng, cây ăn trái phủ kín những khu đất trống, bảo tồn động vật chim thú; trồng thêm rừng ngập mặn để lấn biển, giảm tác hại do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động của đô thị hóa; bảo vệ môi trường, xử lý rác thải phát điện.
Về tổ chức bộ máy, hệ thống quản trị cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, đẩy mạnh trao quyền, thúc đẩy sự tham gia và xây dựng mô hình quản lý phát triển. Ứng dụng công nghệ và tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý, phát huy hiệu quả nhất mọi nguồn lực cho phát triển.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Cần Giờ cần chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại; khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông phá vỡ thế ốc đảo của Cần Giờ.