TP.HCM sắp hết nhà 'siêu mỏng, siêu méo'?

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án 'Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả'. Theo đó, diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP HCM khi mở rộng mặt đường đã xuất hiện nhiều căn nhà siêu mỏng Ảnh: Lê phong/Người Lao động.

Nhiều năm gần đây, TP.HCM đã nâng cấp nhiều dự án hạ tầng, giao thông theo hướng hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố.

Đơn cử, như việc mở rộng tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, hoặc dự án mở rộng tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.100 tỷ đồng;...

Tuy nhiên, sau khi các tuyến đường này hoàn thành, dọc 2 bên đường xuất hiện hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo, hoặc nhà có hình thù kỳ dị, nhà tam giác, ngũ giác. Điều này đã khiến bộ mặt đô thị của TP.HCM trở nên méo mó, xấu xí

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, chính là việc TP.HCM không giải phóng mặt bằng triệt để quỹ đất dôi dư. Ví dụ, trong dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, một số ngôi nhà nằm trong hẻm, sau khi giải phóng mặt bằng chỉ còn vài mét vuông, không đủ diện tích xây dựng nhà ở.

Nhiều chuyên gia nhận định, khi những ngôi nhà trong hẻm được “đổi đời” ra mặt đường, giá trị đất đai tăng gấp 3, gấp 4 lần. Cho nên, TP.HCM mới lan truyền câu chuyện về những bức tường tiền tỷ. Hoặc một số ngôi nhà 5 m2, 6 m2 nhưng có giá vài tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, Nhà nước hay người bị thu hồi đất ban đầu không hề được hưởng lợi gì.

Tuy nhiên, người được hưởng lợi lớn nhất sau mỗi dự án mở rộng hạ tầng, chính là người nắm rõ quy hoạch hoặc là những người trong hẻm tự dưng biến thành mặt tiền - những đối tượng này không phải đóng thêm bất kỳ một khoản thuế, phí nào.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Châu nói: Nhiều dự án phát triển hạ tầng sẽ được chia làm nhiều đợt. Ví dụ, dự án mở rộng Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) được mở rộng 2 lần. Lần thứ nhất, những nhà trong hẻm trở thành nhà mặt tiền, còn những nhà mặt tiền nhận bồi thường từ Nhà nước.

Khi mở rộng lần thứ 2, những nhà trong hẻm này tiếp tục được Nhà nước bồi thường với giá mặt tiền. Điều này gây tổn hại cho ngân sách Nhà nước.

Để tận dụng hiệu quả nguồn đất còn dôi dư sau giải phóng mặt bằng, ông Châu đề xuất, TP.HCM và các địa phương nên công khai đấu giá, đấu thầu đất để lựa chọn chủ đầu tư mới đảm bảo được quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

“Luật Quy hoạch đô thị đã nói rõ, thu hồi đất ven đường để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, thu hồi nguồn thu đó cho ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án hạ tầng khác là hoàn toàn đúng. Đây là cách tạo sự công bằng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và tạo quỹ đất để thực hiện dự án tốt nhất", ông Châu khẳng định.

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả". Theo đề án này, thành phố sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.

Người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là phương án đúng đắn có thể giải quyết các vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, đồng thời cũng tiết kiệm ngân sách Nhà nước sau một dự án mở rộng hạ tầng giao thông.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tphcm-sap-het-nha-sieu-mong-sieu-meo-post120163.html