TP.HCM sẽ có 5 thành phố trực thuộc sau năm 2030
Trong định hướng phát triển bền vững, Tổ chuyên gia đề xuất TP.HCM cần hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với thành phố trên 10 triệu dân và tổ chức các thành phố trực thuộc TP.HCM.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa gửi UBND TP báo cáo tư vấn về việc “TP.HCM hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Báo cáo này được Tổ chuyên gia góp ý, cùng với Viện nghiên cứu phát triển xây dựng và hoàn thành, nhằm tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong chỉ đạo và điều hành.
Trong đó, định hướng các chính sách, giải pháp tạo động lực phát triển thành phố bền vững trong giai đoạn mới, phù hợp với vị trí, vai trò đầu tàu theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo một số chuyên gia, đối với vấn đề phát triển các đô thị, TP.HCM không nên chuyển các huyện thành quận, mà khi đủ điều kiện sẽ tổ chức thành các thành phố trực thuộc.
Cụ thể, từ nay đến đầu năm 2026, cần nghiên cứu tổ chức thêm 2 thành phố mới trực thuộc gồm: TP phía Nam, lấy 2 địa bàn chính là huyện Nhà Bè và Quận 7 (có điều chỉnh thêm 1 phường của quận 8 và 1 xã của huyện Bình Chánh dựa theo ranh giới tự nhiên về sông và kênh rạch).
Thứ hai là thành phố phía Tây, lấy địa bàn chính là huyện Bình Chánh (có thể bao gồm 1 phần của quận Bình Tân).
Song song đó, đầu tư xây dựng đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi), đường ven sông Sài Gòn; khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội khác.
Các chuyên gia đề xuất, đến sau năm 2030, có thể chuyển huyện Củ Chi và Cần Giờ thành 2 TP trực thuộc TP.HCM.
Như vậy, sau năm 2030, TP.HCM sẽ có 5 thành phố trực thuộc theo các trục Đông - Tây - Nam - Bắc và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.
Giảm tối thiểu cơ chế “xin-cho”
Tổ chuyên gia cũng đánh giá, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố trong tình hình hiện nay.
Do đó, ưu tiên trước mắt là triển khai có hiệu quả 7 nhóm nội dung của nghị quyết.
Tuy nhiên, Tổ chuyên gia nhận định, đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm về mô hình phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý Nhà nước cho chính quyền địa phương và một số chính sách đặc thù (so với các chính sách chung hiện hành) cho thành phố.
Vì vậy, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí vai trò của thành phố; gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc thành phố trong quá trình đô thị hóa 5 huyện ngoại thành.
Về mô hình chính quyền đô thị, cần tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho thành phố và từ thành phố cho TP Thủ Đức và các đô thị trực thuộc khác theo nguyên tắc: “Vấn đề gì cấp dưới gần dân hơn, làm tốt hơn nên phân cấp phân quyền, bố trí nguồn lực cho cấp dưới làm; giảm tối thiểu cơ chế “xin - cho”; cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật”.
Các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng phân cấp, phân quyền sẽ phát huy tính năng động sáng tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Đây cũng là phương thức quản lý Nhà nước hiệu quả nhất trong điều kiện vận hành của kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch UBND (gần giống như vai trò thị trường ở các nước), giảm bớt những nội dung thuộc thẩm quyền UBND.
Đồng thời, nâng cao vai trò của một số sở chức năng quản lý nhà nước như vai trò của các Cục, thay vì chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc của UBND TP như hiện nay.
“Với mô hình này, trách nhiệm cá nhân, đơn vị sẽ trở nên rõ ràng, minh bạch và giảm hoàn toàn các cuộc hội họp không cần thiết”, Tổ chuyên gia nhận định.