TP.HCM: Sẽ không còn cảnh vừa làm trực tuyến vừa nộp hồ sơ giấy

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa vào quản trị thực thi hiệu quả các lĩnh vực kinh tế - xã hội cơ bản bằng các nền tảng số.

TP.HCM đang cải tiến nền công vụ, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng đến năm 2025 cơ bản đưa nền hành chính của TP lên nền tảng số.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết TP đã có những bước chuẩn bị cơ bản về hạ tầng kỹ thuật nhằm vận hành hiệu quả và đi đến thống nhất các nền tảng số với quy mô lớn, hướng đến nền hành chính một đầu mối.

 Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng.

Đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số

. Phóng viên: TP.HCM đang hướng đến nền công vụ hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và đưa nền công vụ lên nền tảng số. Vậy TP.HCM cần phải đột phá vấn đề nào để có được một nền công vụ số tiên tiến, hiện đại, thưa ông?

+ Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng: Để có một nền công vụ số tiên tiến, hiện đại, TP.HCM cần phải đột phá không chỉ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền công vụ, mà còn phải đột phá toàn diện từ cải cách thể chế, chính sách đến phát triển hạ tầng số, hoạt động cải cách hành chính trên môi trường số. Đồng thời, nâng cao năng lực số của cán bộ, công chức và người dân cùng tham gia.

TP.HCM phải phát triển một hạ tầng số mạnh và bền vững, triển khai thống nhất các nền tảng số quy mô lớn nhằm ứng dụng hiệu quả dữ liệu trong thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số.

. Tuy nhiên, để có nền công vụ số thì trước hết phải có “con người số”?

+ Đúng vậy. TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều chương trình để đào tạo “con người số” cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần xây dựng nền công vụ số hiệu quả.

Hằng năm, TP đều tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ, công chức về các chủ đề như chuyển đổi số, Đề án 06, an ninh mạng, sử dụng các nền tảng số và các công cụ công nghệ hỗ trợ công việc.

TP.HCM cũng phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến về các kỹ năng số để cán bộ, công chức có thể tự học mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, tổ chức triển khai rộng rãi mạng lưới tổ chuyển đổi số cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến do TP cung cấp, sử dụng thanh toán số.

Đáng chú ý, TP đã phát triển các kênh thông tin trực tuyến như trang thông tin chuyển đổi số, bản tin chuyển đổi số, chương trình truyền hình, truyền thanh để cung cấp thông tin về chuyển đổi số cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến bằng cách triển khai các chính sách miễn phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ hành chính công; chương trình ưu đãi, giảm giá khi sử dụng dịch vụ thương mại điện tử.

Triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ, giúp DN hiểu rõ bản chất, mục tiêu cũng như lợi ích khi áp dụng các giải pháp công nghệ số vào hoạt động kinh doanh như quản lý sản xuất, quản lý khách hàng, marketing, bán hàng…

TP cũng giúp kết nối DN với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ số để họ có thể dễ dàng lựa chọn, triển khai các giải pháp phù hợp với nhu cầu.

Ngoài ra, TP.HCM còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, giao thông vận tải… góp phần xây dựng TP thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cũng chính vì vậy mà mỗi cán bộ phải luôn chủ động học tập, đổi mới, cập nhật kiến thức về công nghệ, ứng dụng công nghệ vào công việc, đồng thời phải trách nhiệm, chuyên nghiệp, tận tâm trong giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác.

 TP.HCM sẽ cải tiến mạnh nền công vụ, không còn cảnh vừa làm trực tuyến vừa làm hồ sơ giấy. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM sẽ cải tiến mạnh nền công vụ, không còn cảnh vừa làm trực tuyến vừa làm hồ sơ giấy. Ảnh: THUẬN VĂN

Không còn tình trạng “vừa số vừa giấy”

. Bên cạnh yếu tố con người thì cơ chế số cần thay đổi như thế nào để không còn tình trạng số hóa nửa vời, chẳng hạn như làm hồ sơ trực tuyến nhưng phải nộp cả hồ sơ giấy?

+ Cả nước cũng như TP.HCM đang quyết tâm thực hiện nội dung này thông qua việc triển khai Đề án 06, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Người dân chỉ cần một xác thực, định danh công dân là có thể khai thác, sử dụng lại giấy tờ trong kho dữ liệu công dân.

Đây cũng là một thách thức, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, không chỉ là vấn đề cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy trình, thủ tục giữa các cấp, các ngành mà còn phải phù hợp với lộ trình chuyển đổi số. Đó còn là sự thống nhất đổi mới trong nhận thức và cách làm của toàn bộ các tổ chức, cơ quan, cá nhân trong quá trình từng bước đồng bộ và điều chỉnh chuyển từ môi trường giấy tờ lên môi trường số.

Khi đó sẽ không còn tình trạng số hóa “nửa vời”, “vừa làm giấy vừa làm số”.

. Trọng tâm trong nền công vụ số là xây dựng được nền tảng dữ liệu số, việc này được TP.HCM thực hiện ra sao?

+ TP.HCM là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu trong phát triển hạ tầng số để phục vụ triển khai chuyển đổi số.

Vừa qua, TP đã ban hành chiến lược quản trị dữ liệu, song song đó là triển khai thống nhất các nền tảng số quy mô lớn, liên thông kết nối các cơ quan nhà nước toàn TP như giải quyết thủ tục hành chính, bản đồ số, quản trị thực thi, lắng nghe mạng xã hội, tổng đài tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân 1022…

Các nền tảng số này sẽ giúp tạo lập một kho dữ liệu dùng chung thống nhất để chính quyền TP.HCM cung cấp dịch vụ công hiệu quả và quản trị thực thi bằng dữ liệu.

Trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, TP.HCM quyết tâm đẩy mạnh hoàn thiện về kỹ thuật lẫn quy định, quy chế vận hành, số hóa cũng như sự phát triển đồng bộ các nền tảng trọng tâm. Trong đó có hệ thống giải quyết thủ tục hành chính nhằm giúp phục vụ hiệu quả cho người dân TP, giúp người dân thuận lợi nhất khi làm thủ tục ở cơ quan hành chính.

 Cán bộ TP.HCM thao tác hồ sơ lên nền hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: THUẬN VĂN

Cán bộ TP.HCM thao tác hồ sơ lên nền hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: THUẬN VĂN

Hướng đến nền hành chính một đầu mối

. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng nhiều lần nhấn mạnh đến cuối năm 2025, phải đưa nền hành chính toàn TP cơ bản lên nền tảng số. Để làm được điều này, TP.HCM đã xây dựng lộ trình như thế nào?

+ Đây là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị TP.HCM và được người đứng đầu chính quyền TP thường xuyên chỉ đạo, quán triệt nhằm hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Sở TT&TT với vai trò là cơ quan chủ trì đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan lên kế hoạch, lộ trình cụ thể và tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM.

Thời gian qua, TP.HCM đang từng bước hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng nền tảng chung trọng tâm cho chuyển đổi số. Từ năm 2023 đến nay, TP.HCM đã chuyển đổi số mạnh mẽ ở các lĩnh vực như tài chính, thuế, đất đai, y tế, giáo dục... và đã đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật của TP.HCM cơ bản đã sẵn sàng, dịch vụ công và các nền tảng số đều đã đi vào hoạt động ổn định. Điều cốt yếu là làm sao tiếp tục phát huy hơn nữa các nền tảng đã có, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, số hóa hồ sơ, đưa thủ tục hành chính lên nền tảng số, phát huy thanh toán số, chữ ký số, đồng bộ dữ liệu, triển khai được app công dân là công cụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân TP…

Tinh thần của chúng tôi cũng giống như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo là “chỗ nào đã làm tốt rồi thì suy nghĩ, nghiên cứu để làm tốt hơn theo tinh thần cải tiến”, hướng đến nền hành chính một đầu mối.

Sang năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn thành cơ bản nền hành chính số, cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn diện cho người dân và DN, lãnh đạo TP cũng sẽ quản trị thực thi qua các nền tảng số.

. Xin cảm ơn ông.

Để lãnh đạo TP.HCM giám sát được cán bộ chậm trễ, đùn đẩy

Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên từng nhiều lần đặt hàng cho ngành thông tin và truyền thông về việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, làm sao để lãnh đạo TP giám sát được cán bộ chậm trễ, đùn đẩy. Và những đặt hàng, gửi gắm đó đã được chúng tôi triển khai và áp dụng chính thức thông qua hệ thống quản trị thực thi trên các nền tảng số của TP.

Cụ thể, việc giám sát, nhắc nhở cán bộ, công chức hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.

Giám sát việc xử lý kiến nghị, những điểm nóng của người dân quan tâm thông qua tổng đài 1022. Giám sát việc thực hiện chỉ đạo điều hành thông qua hệ thống thông tin văn bản. Giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo người dân thông qua nền tảng số quản lý khiếu nại, tố cáo hay giám sát hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội thông qua nền tảng tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội của TP…

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM LÂM ĐÌNH THẮNG

*****

“Công chức số”: Yêu cầu cấp bách cho TP.HCM phát triển

Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội” cũng như Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị, hơn lúc nào hết, việc xây dựng và hoàn thiện một nền công vụ số tại TP.HCM lại mang tính cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như hiện nay.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ trương đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia thì việc xây dựng một nền công vụ số nhằm thúc đẩy hoàn thiện chính phủ số, làm nền tảng, cơ sở để thực hiện kinh tế số và xã hội số được xác định là một yêu cầu chiến lược mang tính chất quyết định.

Nền công vụ số được hiểu là nền công vụ mà các hoạt động được diễn ra một cách khoa học và chặt chẽ trên nền tảng số. Đồng thời dựa vào việc áp dụng công nghệ số để khai thác một cách tối ưu các dữ liệu nhằm thực hiện hiệu quả các chức năng của Nhà nước, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại số.

Người dân TP.HCM làm thủ tục hành chính nhẹ nhàng hơn vì được số hóa. Ảnh: THUẬN VĂN

Để xây dựng một nền công vụ số, bên cạnh việc đảm bảo hạ tầng số đầy đủ thì “công chức số” được xem là yếu tố quyết định. Bởi trong thời đại số, để phát triển nền công vụ số thì phải có công chức số - đó là lực lượng cán bộ, công chức có tư duy số, năng lực số để đảm bảo xây dựng nền văn hóa công vụ số của hệ thống cơ quan chính quyền tại TP.HCM.

Điều này sẽ giúp TP khai thác tốt các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98, giúp phát huy tốt nội lực và tranh thủ ngoại lực để bứt tốc phát triển trong giai đoạn tới.

Chỉ thị 17/2022 của Thành ủy TP.HCM về đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh đã xác định “Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong môi trường số, trước hết là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, ban hành các quy định, chính sách hiện hành nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền theo kịp thực tiễn quá trình chuyển đổi số”.

Muốn có “công chức số” thì trước hết phải hình thành nên tư duy số. Công chức phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số đối với bản thân, đơn vị, hệ thống chính quyền TP và người dân. Từ đó mới hình thành thói quen và phong cách làm việc trên môi trường số.

Một số yêu cầu cơ bản của công chức số có thể kể đến như khả năng vận hành thiết bị và phần mềm số; thu thập, khai thác thông tin và dữ liệu số; tạo lập nội dung số; giao tiếp và tương tác công vụ trên môi trường số và đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số… Việc hình thành và phát triển được những năng lực số trên cho công chức là cơ sở quyết định thành công khi xây dựng một nền công vụ số cho chính quyền TP.HCM.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nền công vụ số của TP được vận hành thuận lợi, mang lại hiệu quả cao thì việc xây dựng cũng như hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý thiết lập cơ chế vận hành, kiểm tra, đánh giá và hoàn thiện môi trường công vụ số là một yêu cầu quan trọng.

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá chuyển đổi số của TP, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần sớm ban hành các quy chế, tiêu chuẩn phù hợp với chức năng của đơn vị mình và hoàn thiện đề án vị trí việc làm của đơn vị trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của một nền công vụ số, gắn với việc đánh giá xếp loại chất lượng theo hiệu quả công việc.

Có thể nói xây dựng một nền công vụ số cho chính quyền TP là một yêu cầu thực tiễn cấp bách, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của hệ thống chính quyền mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội TP…

ThS ĐẬU NGỌC LINH, Học viện Cán bộ TP.HCM

******

Ông ĐỖ ĐĂNG ÁI, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận:

Có mô hình cải cách hành chính mỗi năm

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng đề án xây dựng nền công vụ TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Trong đó, ông khẳng định TP đặt yêu cầu xây dựng nền công vụ hành chính tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển là kim chỉ nam cho TP phát triển trong thời gian tới.

UBND quận Phú Nhuận sẽ xây dựng nền công vụ theo hướng sắp xếp tổ chức, bộ máy theo quy định, trong đó có sắp xếp phường và khu phố, tổ dân phố nhưng vẫn đảm bảo về nguồn nhân sự, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và trách nhiệm giải trình.

Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quan tâm, đảm bảo thu nhập và đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên phát động các phong trào thi đua lao động, sáng tạo. Trong đó, yêu cầu hằng năm mỗi cơ quan, đơn vị đều có ít nhất một mô hình, giải pháp về cải cách hành chính, tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo của người lao động.

Đặc biệt, quận sẽ tạo điều kiện để cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ; sắp xếp, xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại.

-----

Ông HỨA QUỐC HƯNG, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA):

Đẩy mạnh liên thông, chia sẻ dữ liệu

Tôi cho rằng thời gian tới, TP.HCM phải đột phá về dữ liệu số phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành.

Tại HEPZA, việc thu thập số liệu từ các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do số DN báo cáo đầy đủ, đúng hạn còn thấp. Một số chỉ tiêu các bộ, ngành yêu cầu báo cáo không được quy định trong mẫu báo cáo thống kê mà DN phải tự báo cáo.

Nhiều đầu mối tiếp nhận báo cáo nhưng kết quả xử lý số liệu ở mỗi cơ quan khác nhau và chưa có sự chia sẻ số liệu do vướng về quy định pháp lý. Do vậy, mỗi cơ quan phải sắp xếp một bộ máy chuyên trách (tương đương với cơ quan thống kê) để thực hiện thu thập, xử lý và cưỡng chế thực hiện báo cáo.

Cũng theo quy định, DN phải báo cáo về các bộ, ngành theo lĩnh vực, tuy nhiên dữ liệu báo cáo của DN không được chia sẻ đầy đủ, các hệ thống của bộ không mở cổng cho địa phương kết nối để khai thác dữ liệu. Chính vì vậy, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, có cơ chế thu thập, báo cáo trực tuyến, xử lý và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành.

Hiện HEPZA đang xây dựng hạng mục “Hệ thống quản lý thông tin DN” nhằm tăng cường kết nối giữa ban quản lý với các DN; tăng hiệu quả, hiệu suất trong phối hợp xử lý công việc, hiện đại hóa báo cáo, thống kê, các dữ liệu được cập nhật trực tuyến trên nhiều lĩnh vực.

----

Ông NGUYỄN TRÍ DŨNG, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp:

Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số

Thời gian qua, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Gò Vấp xác định tổng thể cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 là động lực, mục tiêu phải thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, điều hành, quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Hằng năm chúng tôi đều làm kế hoạch tổng thể, kế hoạch chuyên đề và xác định những nội dung trọng tâm. Bên cạnh đó là mời các cơ quan của TP về tập huấn các chuyên đề chuyển đổi số cho cán bộ, công chức; tuyển dụng nhân lực có chuyên môn công nghệ thông tin...

Bên cạnh đó, quận Gò Vấp chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiên cứu thực hiện hiệu quả thanh toán dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; vận động người dân, DN đăng ký chuyển đổi số.

Cũng vì vậy mà rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp nặng nề được đề ra và đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu. Vì thế, tôi có xin chủ trương tăng thêm một vị trí phó chánh văn phòng chuyên phụ trách về công nghệ thông tin. Đồng thời, lựa chọn những cán bộ, công chức có chuyên môn về công nghệ để thành lập tổ tư vấn giúp việc, tham mưu cho lãnh đạo quận.

Quận cũng xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp quận để đánh giá chỉ số cạnh tranh của các phường trong quận, các phòng, ban ngành. Đây là năm thứ hai quận thực hiện việc đánh giá này.

LÊ THOA - BẢO PHƯƠNG ghi

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-khong-con-canh-vua-lam-truc-tuyen-vua-nop-ho-so-giay-post794902.html