TP.HCM: Số ca cấp cứu do tai nạn giao thông tăng gần gấp đôi Tết năm 2022
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã cấp cứu 3.419 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bao gồm cả các trường hợp từ tuyến dưới chuyển lên, tăng gần gấp đôi năm 2022.
Tối 26/1 (mùng 5 Tết), nhiều bệnh nhân tiếp tục được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến 20h, khoa đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp, trong đó, nhiều ca nặng phải vào Phòng Hồi sức tích cực.
Chị Trần Thị Bích Thảo, trú tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, người nhà của bệnh nhân Thông Thanh Hải, 38 tuổi, cho biết, do say xỉn nên bệnh nhân tự ngã xe, bị chấn thương và mê man 2 ngày liền. Tuy nhiên, hôm nay mới đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, bác sĩ chẩn đoán nguy hiểm nên chuyển tuyến về Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Anh bị té hôm 29 Tết, sau đó một ông anh lên chở đưa đi trạm y tế. Về nhà mấy ngày thấy cũng bình thường nên không biết bị gì. Đến khi anh tỉnh rượu thì kêu đau đầu, đưa đi bệnh viện chụp phim, bác sĩ bảo bị xuất huyết não có tụ máu bầm”, chị Thảo nói.
Tính đến 19h ngày 26/1, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.782 trường hợp, trong đó có 1.483 ca nhập viện, 152 ca phải mổ cấp cứu. Số ca tai nạn giao thông phải vào cấp cứu là 326 trường hợp, trong đó có 228 bệnh nhân phải nhập Khoa Chấn thương sọ não.
Bác sĩ Võ Hạnh, Trưởng kíp trực Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tối 26/1 cho biết, ngày Tết, khoa thường phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông. Do đó, nhân viên y tế luôn có áp lực rất lớn. Chỉ riêng mùng 4 tết, số ca cấp cứu rất cao với 339 trường hợp.
Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đa khoa tuyến cuối của khu vực miền Nam, nên Khoa Cấp cứu chủ yếu tiếp nhận ca bệnh nặng, nghiêm trọng mà cơ sở y tế tuyến dưới không đủ khả năng điều trị. Riêng các trường hợp bị tai nạn có 482 ca từ tuyến tỉnh chuyển đến, chiếm gần 80%. Để sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân tăng đột biến những ngày Tết, lực lượng khoa Cấp cứu không được nghỉ lễ mà sau đợt trực mới chia ra để nghỉ bù.
Bác sĩ Võ Hạnh cho biết: “Kể cả không có thân nhân, chúng tôi vẫn khám từ đầu tới chân, về đường thở, khám về hô hấp, khám tuần hoàn, khám thần kinh, bộc lộ vết thương toàn thân để thăm khám. Sau đó phóng loa cho người thân bên ngoài để họ biết tình hình và hướng xử lý. Nếu nặng quá cũng chia sẻ để họ chuẩn bị tâm lý”.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã thực hiện cấp cứu, khám chữa bệnh cho 87.660 trường hợp, tăng 33.460 ca so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, 62 người đã tử vong và 79 ca nặng xin về.
Riêng số ca cấp cứu do tai nạn giao thông tăng gần gấp đôi so với năm 2022, với 3.419 trường hợp; có 4 ca tử vong. Ngoài ra, tai nạn trong sinh hoạt, lao động là 2.621 trường hợp, tăng hơn 700 ca so với năm 2022. Các tai nạn khác cũng cao hơn như: tai nạn do đánh nhau 275 ca; tai nạn do pháo nổ, pháo hoa 54 trường hợp (năm 2022 là 20 trường hợp). Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, thành phố cũng ghi nhận có 5 trường hợp cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ tự chế gây ra và 16 ca ngộ độc thực phẩm. Đáng chú ý, có 2.029 trẻ được sinh ra trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023./.