TP.HCM: Sốt xuất huyết vào mùa, tăng 31% chỉ sau 1 tháng

Tuần qua, TP.HCM ghi nhận 167 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 31% so với trung bình 4 tuần trước.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 là 4.599 ca.

Vừa vào viện đã sốc sốt xuất huyết

Bé BPH (9 tuổi) đang điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2). Trước nhập viện, bé có hiệu sốt cao liên tục không hạ, chán ăn, mệt mỏi. Khi đến bệnh viện khám được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết bắt đầu chuyển nặng.

Theo bác sĩ điều trị, bé H vào viện đã có tình trạng sốc sốt xuất huyết nên phải bù dịch, tổn thương gan, xuất huyết nặng dẫn đến khối tụ máu lớn ở tay gây chèn ép khoang, sưng to tay.

Chưa hết, bé bị tràn dịch màng phổi gây suy hô hấp nên phải thở CPAP (thở áp lực dương) khoảng một ngày, sau đó chuyển qua thở ôxy. Bé cũng được bồi hoàn chế phẩm máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, truyền tiểu cầu và hồng cầu lắng. Hiện sức khỏe bé H đã ổn định, sắp ra viện.

 Bệnh nhi 10 tuổi bị sốt xuất huyết, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi 10 tuổi bị sốt xuất huyết, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị NTVA (43 tuổi, ngụ Tây Ninh) chăm con trai 10 tuổi bị sốt xuất huyết, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Chị A cho biết cách đây mấy ngày con chị bị sốt, ớn lạnh, uống thuốc hạ sốt không bớt.

“Tôi đưa con vào khám tại một bệnh viện ở tỉnh Tây Ninh. Bác sĩ chẩn đoán bé sốt xuất huyết. Điều trị một ngày thì bệnh chuyển nặng, bị sốc sốt xuất huyết nên bệnh viện đó cho chuyển lên đây” - chị A nói.

Con chị A nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, phải hỗ trợ hô hấp bằng NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua đường mũi), cần truyền máu và truyền dịch. Sau đó bé được chuyển khoa Hồi sức tích cực - chống độc, thở máy không xâm lấn.

Hiện sức khỏe của bé tiến triển tốt, đang trên đà cai máy thở, dự kiến có thể chuyển sang khoa thường.

Mùa mưa, cảnh giác với sốt xuất huyết

Theo đại diện khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2), sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa, số ca nhập viện có xu hướng tăng nhẹ từ cuối tuần trước. Hai tuần qua, có ngày khoa nhận 8-10 ca từ các khoa khác chuyển tới.

Chỉ trong tháng 7, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 165 ca sốt xuất huyết khám ngoại trú và 64 ca điều trị nội trú

 Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi điều trị bệnh nhi sốt xuất huyết. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi điều trị bệnh nhi sốt xuất huyết. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Số ca nặng cũng tăng hơn so với những tuần trước đó. Hầu như mỗi ngày hoặc cách ngày đều có ca nặng, sốc sốt xuất huyết. Một tuần có khoảng 2-3 ca bị sốc do cô đặc máu, có ca bị xuất huyết làm tay bị sưng, giảm tiểu cầu” - một bác sĩ điều trị tại khoa Nhiễm cho hay.

Sốt xuất huyết là dịch lưu hành, xuất hiện thường xuyên, cao điểm vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm). Cuối năm 2022 có đợt sốt xuất huyết rất nặng, kéo dài qua đầu năm 2023 mới bắt đầu giảm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện đang vào giữa mùa mưa, tình hình điều trị sốt xuất huyết tại khoa tăng nhẹ so với vài tuần trước.

Khoa đang tiếp nhận điều trị khoảng 50 ca sốt xuất huyết, trong đó có sốc sốt xuất huyết. Trung bình mỗi ngày khoảng 2-3 ca nhập viện, trong khi hai tuần trước chỉ lác đác vài ca, có ngày không có ca nào.

“Từ giờ đến cuối năm, sốt xuất huyết có thể tăng ở một vài địa phương mà năm ngoái chưa có nhiều ca mắc. Người dân cần cảnh giác, thấy trẻ sốt hai ngày trở lên cần đến bệnh viện khám ngay để kịp thời phát hiện, theo dõi điều trị, tránh diễn tiến nặng” - bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Dự kiến tháng 10-2024, vaccine sốt xuất huyết sẽ về Việt Nam. Vaccine này dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, có hiệu lực bảo vệ hơn 80% và chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus sốt xuất huyết. Khi có vaccine, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm ngừa để dự phòng mắc sốt xuất huyết, giảm nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN MINH TIẾN - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết khoa Nhiễm đang điều trị 4 ca sốt xuất huyết, khoa Hồi sức tích cực - chống độc đang điều trị 2 ca.

Theo bác sĩ Tiến, việc nhận biết dấu hiệu sớm của sốt xuất huyết rất quan trọng, giúp điều trị bệnh kịp thời. Từ ngày 1-3 của bệnh, trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol cách 4-6 tiếng/lần kết hợp lau mát với nước ấm. Nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tránh thực phẩm có màu đỏ, màu đen vì nếu lỡ nôn ói sẽ khó phân biệt do thức ăn hay máu.

Thường ngày 4, ngày 5 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm. Khi trẻ nôn ói nhiều, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen; đau bụng nhiều; bứt rứt hoặc li bì; tay chân lạnh ẩm, rịn mồ hôi; tiểu ít, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng.

“Để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, người dân không nên để ao tù nước đọng xung quanh nhà, trong các chum, vại, vỏ bánh xe... Cần phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi. Đặc biệt, muỗi gây sốt xuất huyết thường hoạt động ban ngày và chiều tối, vì vậy nếu ngủ nên ngủ trong mùng, thường xuyên xịt muỗi để tránh bị muỗi đốt” - bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Những nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng khi sốt xuất huyết

- Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

- Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

- Người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.

- Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể sinh bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong khi sinh rất lớn.

- Một số nhóm khác như người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác… Tuy nhiên đây chỉ là những yếu tố phụ.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-sot-xuat-huyet-vao-mua-tang-31-chi-sau-1-thang-post803133.html