TP.HCM tán thành việc hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
Sau khi Nghị quyết được thông qua, các đơn vị sẽ hoàn thiện và trình Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ đề án sắp xếp Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM trước 1/5.

TP.HCM tán thành việc hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sáng 18/4, tại kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Tán thành hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo nội dung Nghị quyết, TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được hợp nhất, hình thành một đơn vị hành chính mới mang tên TP.HCM, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phương án sắp xếp nhằm kế thừa và phát huy toàn diện những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của 3 địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Việc hình thành đơn vị hành chính mới được triển khai đồng thời với nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ tổ chức vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tận dụng tối đa tiềm năng về diện tích, quy mô dân số, cũng như lợi thế từ kết quả tăng trưởng kinh tế của 3 tỉnh, thành. Mục tiêu là xây dựng TP.HCM trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
TP.HCM sau sắp xếp, sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.700 km2, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

TP.HCM sau sắp xếp, sáp nhập sẽ trở thành siêu đô thị với diện tích hơn 6.700 km2 và dân số hơn 13,7 triệu người. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đơn vị hành chính mới sẽ đẩy mạnh kết nối giao thông giữa 3 địa phương qua các tuyến đường bộ, đường thủy, đường biển và hệ thống cảng. Sự hợp nhất cũng mở ra cơ hội tích hợp, quản lý và vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nâng cao hiệu quả chuỗi logistics.
Về quản lý Nhà nước, TP.HCM sau sáp nhập được kỳ vọng tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhờ nền tảng cải cách hành chính, chuyển đổi số, và đầu tư mạnh vào khoa học - công nghệ tại cả 3 địa phương.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận sau khi sắp xếp, hoạt động quản lý Nhà nước sẽ có một số khó khăn bước đầu do diện tích lớn, dân số đông, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền, khoảng cách địa lý giữa cơ quan Nhà nước và người dân, chênh lệch phân bổ dân cư, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế giữa 3 tỉnh, thành.
Ngoài ra, công tác quốc phòng - an ninh cũng chịu nhiều áp lực hơn khi chiều dài đường bờ biển tăng, dân cư đa dạng hơn do tiếp nhận dân số di cư từ các tỉnh, thành khác. Việc cập nhật, chuyển đổi thông tin trên các loại giấy tờ của người dân do thay đổi địa giới hành chính cũng đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực.
Sau khi sắp xếp, TP.HCM mới sẽ có tổng cộng 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.

Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết tán thành phương án sắp xếp. Ảnh: Thảo Liên.
Về tổ chức Đảng, TP.HCM mới sẽ có 6 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, bao gồm: Đảng bộ UBND TP, Đảng bộ cơ quan Đảng TP, Đảng bộ Công an TP, Đảng bộ Quân sự TP, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng TP, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP và 168 đảng bộ cấp xã.
Về tổ chức cơ quan lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương hiệp y thống nhất với Thành ủy quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố mới.
Liên quan đến công tác nhân sự, sẽ có khoảng 9.732 người hoạt động không chuyên trách được tinh giản biên chế theo lộ trình và chính sách trong năm nay. Sau sắp xếp, TP.HCM mới sẽ có khoảng 12.600 cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện dôi dư, trong đó kế hoạch giảm biên chế được thực hiện theo lộ trình khoảng 2.500 người mỗi năm.
Trước ngày 1/5, các đơn vị sẽ trình Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Tán thành TP.HCM có phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định
Tại buổi họp sáng nay, đại biểu HĐND TP cũng đã tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, TP.HCM sắp xếp giảm từ 273 xã, phường xuống còn 102 xã, phường.
Trong đó, quận 1 sẽ sắp xếp từ 10 phường còn 4 phường. Đáng chú ý, một phần phường Nguyễn Thái Bình, một phần phường Đa Kao và toàn bộ phường Bến Nghé sẽ được sáp nhập thành phường Sài Gòn.
Tại quận 5, phường Chợ Lớn được hình thành dựa trên cơ sở sáp nhập phường 11, phường 12, phường 13, phường 14.
Ngoài ra, phường Gia Định dự kiến được hình thành trên cơ sở sáp nhập phường 1, phường 2, phường 7, phường 17...
Đồng thời, HĐND TP.HCM cũng đã thông qua tờ trình liên quan tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, trong đó có việc thành lập Sở Xây dựng TP.HCM; đổi tên Sở Tài nguyên và Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM...