TP HCM: Tăng cơ chế cho trí thức phản biện chính sách
Là một thành viên của MTTQ, thời gian qua các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kinh tế, kỹ thuật và công nghệ đã tham gia hiệu quả đóng góp vào công tác giám sát, phản biện xã hội.
Đó là phát biểu của GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM chỉ đạo tại Đại hội Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM nhiệm kỳ VII (2023 - 2028) khai mạc ngày 25/11 tại TP HCM.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, thời gian qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM đã thực hiện nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học kinh tế, kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, là một thành viên của MTTQ Việt Nam luôn gắn liền với các chương trình hành động của Mặt trận, nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội trên các lĩnh vực khoa học kinh tế, kỹ thuật và công nghệ.
“
"Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học là hội viên của Hội, cũng như tham gia hoạt động của MTTQ và HĐND TP HCM, như PGS.TS Phương Ngọc Thạch (Phó Chủ tịch Hội); TS Trần Quang Thắng (Đại biểu HĐND TP HCM nhiều khóa); GS Trần Đình Bút (nguyên thành viên Tổ tư vấn và Ban nghiên cứu giúp việc cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải) đã đóng góp nhiều hiến kế, góp ý tham vấn quan trọng cho các chính sách phát triển của TP HCM và cả nước". (TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM)
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM đánh giá, trong năm qua dù vừa trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế TP HCM chịu nhiều tác động, khó khăn; thế nhưng Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM vẫn kết nạp được thêm các hội viên mới, cũng như tổ chức nhiều hoạt động giám sát, phản biện, tham mưu hiệu quả về giải pháp chính sách cho các cơ quan, đơn vị của TP HCM.
Điển hình, Hội đã tổ chức được các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học có chất lượng cao, giám sát phản biện trên các vấn đề lớn của TP HCM và cả nước, như: Hội thảo về các vấn đề kinh tế - xã hội định hướng tới Đại hội 13 của Đảng; Hội thảo chủ đề "Một số vấn đề lý luận về CNXH trong thực tiễn xây dựng XHCN ở Việt Nam"; Hội thảo "Kinh tế TP HCM thích ứng với bối cảnh sau đại dịch"; Hội thảo "Góp thêm giải pháp cho việc tuyển dụng hiệu quả nguồn lao động cho hoạt động kinh tế - xã hội";...
Với các hiệu quả hoạt động hội, nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội, GS.TS Nguyễn Văn Phước mong muốn trong năm 2024 tiếp tục kế thừa, phát huy phối hợp tốt giữa Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học chất lượng đóng góp cho kinh tế xã hội TP HCM và cả nước. Trong đó, GS.TS Nguyễn Hữu Phước gợi ý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Hội tập trung vào nội dung, hiến kế về giải pháp triển khai Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.
Cũng tại Đại hội, TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM cũng đã chủ trì, bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, TS Trương Thị Minh Sâm tiếp tục được Đại hội tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới.