TP.HCM tăng tốc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng cho Trung tâm Tài chính quốc tế
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 222 về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, chính quyền thành phố đã khẩn trương triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.
Ngày 8/7, Văn phòng UBND TP.HCM thông tin về quảng bá, xúc tiến đầu tư liên quan việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố.

TP.HCM quy hoạch không gian, xác định vị trí của khu lõi Trung tâm Tài chính quốc tế là quận 1 và khu Thủ Thiêm cũ.
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, ngày 27/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15 về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình hơn 20 năm theo đuổi mục tiêu đưa TP.HCM trở thành đầu tàu tài chính của khu vực.
Trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về thúc đẩy hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, thành phố đồng hành chặt chẽ cùng các bộ, ngành trong quá trình xây dựng đề án và chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý cho Trung tâm Tài chính quốc tế.
Lãnh đạo thành phố cũng tham gia các đoàn công tác của Chính phủ đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ, hội nghị thượng đỉnh chính phủ tại UAE và thăm các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như: Anh, Đức, Luxembourg… để học hỏi kinh nghiệm điều hành và mô hình phát triển.
"Thành phố khẳng định quyết tâm thực hiện sứ mệnh chiến lược, sẵn sàng hiện thực hóa khát vọng phát triển TP.HCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế với việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo và định hướng triển khai các nhiệm vụ như rà soát không gian quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng cho Trung tâm Tài chính quốc tế, đề xuất chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển nguồn nhân lực tạo nền tảng đưa các cơ quan quản lý trung tâm tài chính nhanh chóng hình thành và đi vào hoạt động…", UBND TP.HCM nêu.
Sáu tháng cuối năm, thành phố xác định những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai Nghị quyết 222 về Trung tâm Tài chính quốc tế. Trong đó, hoàn thiện khung pháp lý các nghị định hướng dẫn triển khai Nghị quyết 222/2025/QH15 về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam; quy hoạch không gian, xác định vị trí của khu lõi trung tâm tài chính.
Thành phố đã rà soát và xác định không gian quy hoạch phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM với định hướng khu vực cụ thể, gồm khu quận 1 và Thủ Thiêm cũ, nhằm lựa chọn những vị trí đắc địa nhất để hình thành khu lõi của trung tâm tài chính.
Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng: Rà soát các nguồn lực và cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào trung tâm tài chính, đẩy mạnh tiến độ dự án hạ tầng - kỹ thuật trọng điểm trong trung tâm tài chính… nhằm tạo dựng cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nguồn lực chất lượng cao đến làm việc tại trung tâm tài chính.
Phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho Trung tâm Tài chính quốc tế, bao gồm mô hình tổ chức, tiêu chí tuyển dụng, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế cùng nhân tài trong nước.
Hợp tác quốc tế: Tổ chức chương trình đào tạo tại Đại học Việt Đức, Trung tâm Tài chính quốc tế Thượng Hải, Trung tâm Tài chính quốc tế Anh; hợp tác với Hội đồng phát triển Dịch vụ tài chính Hồng Kông (FSDC) để đào tạo chuyên sâu về thị trường vốn, tài chính xanh, fintech; và xây dựng kế hoạch hợp tác với Trung tâm Tài chính Astana (Kazakhstan).