TP HCM tập trung bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với bệnh sởi

Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã vừa ban hành kế hoạch chủ động bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với bệnh sởi năm 2024.

Theo đó, một trong những mục tiêu của kế hoạch là tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ đối tượng trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao đối với bệnh sởi, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tích cực ngăn chặn sự bùng phát và hình thành các ổ dịch sởi trong các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng.

Kế hoạch cũng đặt yêu cầu, đảm bảo tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao đối với bệnh sởi; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo các hoạt động thực hiện khả thi, có hiệu quả. Cùng với đó là huy động các nguồn lực sẵn có phù hợp với điều kiện thực tế, bổ sung vắc xin và đảm bảo đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch cũng nêu rõ các đối tượng là bệnh nhi (người bệnh dưới 16 tuổi) thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh nhiễm trùng, bao gồm bệnh sởi, thuộc một trong ba nhóm. Cụ thể là nhóm bệnh mạn tính bao gồm: bệnh tim mạn tính (suy tim, bệnh cơ tim), bệnh phổi mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn, khí phế thủng, hen phế quản), bệnh gan mạn tính (teo đường mật bẩm sinh, bệnh chuyển hóa, Alagill…), bệnh tiểu đường, dò dịch não tủy và cấy ốc tai điện tử;

Nhóm bệnh vô lách chức năng hoặc giải phẫu gồm: bệnh vô lách bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh hồng cầu hình liềm và các bệnh Hb khác;

Nhóm suy giảm miễn dịch gồm: bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, nhiễm HIV/AIDS, suy thận mạn, hội chứng thận hư, bệnh bạch cầu cấp, lynphoma, u ác tính, bệnh đa u tủy, bệnh Hodgkin và ghép tạng đặc.

 Nhiều trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao được tập trung bảo vệ

Nhiều trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao được tập trung bảo vệ

Theo kế hoạch này, Sở Y tế tế cũng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở tiêm chủng; phòng ngừa lây nhiễm, bảo vệ, điều trị tích cực nhóm nguy cơ cao với bệnh sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó là tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe.

Riêng đối với công tác giám sát, đánh giá, kế hoạch nhấn mạnh đến việc tăng cường triển khai đồng bộ hoạt động giám sát dịch bệnh sởi trên toàn TP theo quy định, đặc biệt ở đối tượng trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao, nhằm phát hiện sớm, hạn chế lây lan và kiểm soát sự bùng phát dịch.

Đồng thời, Sở cũng thành lập Tổ chuyên môn phân tích tình hình dịch bệnh sởi bao gồm các chuyên gia đầu ngành về quản lý và điều trị bệnh truyền nhiễm. Từ đó thực hiện phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh, dự báo xu hướng diễn biến và nguy cơ của dịch bệnh, đề xuất và đánh giá tác động của các biện pháp đã triển khai trên cơ sở dữ liệu nền tảng Hệ thống quản lý sức khỏe cộng đồng của Sở Y tế, tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP các chính sách và biện pháp hiệu quả bảo vệ nhóm nguy cơ.

Theo báo cáo mới đây của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong giai đoạn từ 2021 - 2023 chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc sởi. Đầu năm 2024 đến ngày 22/5, TP HCM không ghi nhận ca mắc sởi.

Tuy nhiên, từ ngày 23/5 đến ngày 4/9 tại TP ghi nhận 541 trường hợp mắc sởi, 3 ca tử vong gồm 2 trường hợp có địa chỉ ở TP và 1 trẻ ở tỉnh, trẻ tử vong do sởi đều có bệnh nền bẩm sinh. Đáng lưu ý, 74% trẻ bị sởi đều chưa được tiêm chủng vắc xin sởi dù đã đủ tuổi.

Các quận, huyện có số trẻ mắc sởi cao nhất là huyện Bình Chánh với 136 ca, quận Bình Tân 123 ca, Hóc Môn 41 ca, TP Thủ Đức 33 ca…

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-tap-trung-bao-ve-tre-thuoc-nhom-nguy-co-cao-doi-voi-benh-soi-post310854.html