TP.HCM: Thêm 3 trường hợp ăn bánh mì chả lụa bị ngộ độc botulinum nguy kịch
Sau khi phát hiện 3 anh em ruột ăn bánh mì chả lụa bị ngộ độc botulinum, TP.HCM tiếp tục phát hiện thêm 3 trường hợp nữa cũng bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì chả lụa.
Chiều 20.5, TS.BS Lê Quốc Hùng - Truởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, trong 2 ngày qua, bệnh viện cùng với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới đã hội chẩn cùng nhau và phát hiện thêm 3 trường hợp ở nghi ngờ ngộ độc botulinum.
Đây là 3 người lớn nằm rải rác ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi bệnh viện 1 ca bệnh.
Tuy nhiên thì sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết đưa từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới về Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, vì đây là hai anh em ruột.
Cả 3 bệnh nhân trên đều cư ngụ tại TP.Thủ Đức và 3 người này ở hai gia đình khác nhau. Một gia đình là có 2 anh em ruột gồm 1 bệnh nhân nam 18 tuổi và 1 bệnh nhân nam 26 tuổi. Gia đình thứ hai đó là một bệnh nhân nam 45 tuổi. Cả 3 bệnh nhân này đều có khởi phát là tiếp xúc với lại nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13.5.
Trong đó, 2 anh em ruột ăn bánh mì có kèm với chả lụa bán dạo và bệnh nhân 45 tuổi nghi ngờ ăn một loại mắm để lâu ngày. Từ ngày 13.5 sau khi ăn, đến ngày 14.5 cả 3 bệnh nhân này đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa mệt mỏi, đau đầu choáng váng và đau bụng có biểu hiện bị tiêu chảy.
Sau đó đến ngày 14.5 và 15.5, tình trạng tiến triển nhiều hơn và bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Trong đó, bệnh nhân 18 tuổi là bệnh nhân có diễn biến sớm nhất, vì yếu sức cơ nên nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Người đàn ông 45 tuổi buổi chiều ngày 15.5 cũng nhập vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, và bệnh nhân 26 tuổi bị nhẹ hơn tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Với chùm ca bệnh và thông tin về các bệnh ngộ độc botulinum như vậy, nên các bác sĩ đã chú ý bệnh này và họ đã nghĩ tới chẩn đoán bệnh ngộ độc botulinum. Sau đó, chúng tôi đã xác định các trường hợp này là trường hợp nghi ngờ ngộ độc botulinum. Trong đó bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định chúng tôi đã lấy được mẫu xét nghiệm đi xét nghiệm PCR tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TP.HCM và xác định có sự hiện diện của độc tố botulinum tồn tại. Như vậy chúng ta có thể nói rằng hơn 90% khẳng định các trường hợp này là ngộ độc botulinum và có nguồn gốc từ thức ăn”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Về tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân trên, bác sĩ Hùng cho biết, hiện có 2 bệnh nhân phải thở máy là bệnh nhân 18 tuổi và bệnh nhân 45 tuổi do liệt cơ sức cơ chỉ có 1/5.
Riêng bệnh nhân 26 tuổi hiện nay trong tình trạng sức cơ còn 3/5 - 4/5, tức là còn có thể cử động được một chút, vẫn có thể tự thở được, chưa phải thở máy.
Tuy nhiên, theo diễn tiến thì rất nhiều khả năng là bệnh nhân 26 tuổi chưa phải thở máy trong một vài ngày tới vẫn có nguy cơ cao dẫn tới thở máy hỗ trợ.
Theo bác sĩ Hùng, điều đáng lo hiện nay là thuốc BAT giải độc, đặc hiệu do ngộ độc botulinum, đã không còn. Trường hợp bệnh nhân ngộ độc botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm, thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.
Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày, tức rất là sớm sau khi ngộ độc, trong khoảng thời gian trung bình khoảng từ 5 đến 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục, có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.
“Trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì phải có điều trị hỗ trợ. Điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy, vì chúng ta biết bệnh lý này là do chất độc của botulinum làm cho tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ. Khi chúng ta liệt cơ thì không thể thở được, và vấn đề đảm bảo sinh mạng của con người, phải có đảm bảo sức thở, và khả năng trao đổi khí trong cơ thể. Trước đây, nếu chưa có hỗ trợ về máy thở về hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp thì bệnh nhân bị ngộ độc botulinum rất dễ tử vong”, bác sĩ Hùng cho biết.