TP.HCM thêm hàng trăm ổ dịch sốt xuất huyết
Từ ngày 1/7 đến ngày 7/7, TP.HCM ghi nhận 143 ổ dịch sốt xuất huyết mới; Thành phố cũng ghi nhận thêm 2 người mắc sốt xuất huyết tử vong tại quận Gò Vấp và Bình Tân.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 1/7 đến ngày 7/7, Thành phố ghi nhận 143 ổ dịch sốt xuất huyết mới với 2.834 bệnh nhân, tăng 307 ca (12,1%) so với trung bình 4 tuần trước.
Tính từ đầu năm đến nay, có 24.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 373 ca bệnh nặng.
Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở 18/22 quận huyện, TP.Thủ Đức (trừ Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận). Quận 4, quận 7 và huyện Cần Giờ là 3 địa phương có số ca bệnh tăng báo động.
Theo thống kê, 300 ổ dịch sốt xuất huyết đã được xử lý phun hóa chất trong tuần và có 4 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Hàng trăm ổ dịch, điểm nguy cơ cũng được ngành Y tế thực hiện diệt lăng quăng.
Còn tại Hà Nội, trong tuần qua ghi nhận hơn 50 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 175 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Cũng trong tuần qua, đã ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 3 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 4 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng. Hiện còn 5 ổ dịch đang hoạt động.
Trên phạm vi cả nước, theo báo cáo của các địa phương, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó, trong đó đã có 38 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Trước nguy cơ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết, Sở Y tế các địa phương đang là điểm nóng về dịch yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến bệnh nhân kịp thời, an toàn. Cùng với đó, bảo đảm có đủ dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thông tin thêm về bệnh sốt xuất huyết, PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. “Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Với sốt xuất huyết, nhiều người sai lầm cho rằng, chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời. Tuy vậy theo chuyên gia, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4.
Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.
Nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhập viện.
Một số đối tượng nếu mắc sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý là người đang có sẵn một tình trạng bệnh nào đó hoặc những người đang phải sử dụng thuốc corticoid.
Sốt xuất huyết là một tình trạng gây rối loạn đông máu và suy tuần hoàn. Do đó, khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, nếu bệnh nhân đang có sẵn các bệnh nền, đặc biệt là bệnh liên quan tới tình trạng rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng các thuốc có ảnh hưởng tới đông máu thì cần nhập viện để theo dõi và điều trị.
"Đặc biệt, ở ngày thứ 3 đến thứ 7 khi mắc bệnh sốt xuất huyết, nếu bệnh nhân cảm thấy mệt hoặc không ăn, không chơi mặc dù nhiệt độ cơ thể đã hạ (đặc biệt ở trẻ nhỏ) là những dấu hiệu rất sớm cho thấy cần đưa người bệnh nhập viện", bác sĩ Cường nói.
Còn ý kiến của bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi mắc sốt xuất huyết, chúng ta chỉ được phép sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol. Bởi sốt xuất huyết bản chất là có thể gây tổn thương gan.
Sử dụng Paracetamol không đúng chỉ định cũng có thể gây viêm gan, cộng thêm việc sử dụng cả Ibuprofen thì nguy cơ rất cao sẽ gây chảy máu ồ ạt. Đây là điểm rất khác trong việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết và bệnh nhân mắc bệnh sốt virus thông thường.
Bổ sung đủ nước khi mắc sốt xuất huyết là một điều cực kỳ quan trọng để ngăn bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên, một sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết đó là bệnh nhân trông chờ vào việc truyền dịch.
"Ở trẻ nhỏ, việc bù nước khó khăn hơn do trẻ quấy khóc và thường không tự uống. Nếu cha mẹ không chú ý bù đủ nước cho con thì nguy cơ chuyển nặng sẽ rất cao", bác sĩ Hải nói.
Các bác sĩ khuyến cáo vào mùa mưa, khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2 - 3 ngày, cần nghĩ đến sốt xuất huyết và đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Sau khi xác định mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà. nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như sốt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu...
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-them-hang-tram-o-dich-sot-xuat-huyet-d169432.html