TP.HCM: Thí điểm mô hình phân loại rác mới

Từ nay đến 31/12/2025, TP.HCM sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn thành 03 loại tại các chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, vừa đưa ra kết luận quan trọng liên quan đến Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những bước tiến nhằm cải thiện công tác quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Theo ông Cường, hiện nay, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại TP.HCM vẫn còn thiếu tính đồng bộ so với yêu cầu phân loại rác tại nguồn. Theo luật định, rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình và cá nhân phải được phân chia thành ba loại chính: rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm và các chất thải rắn sinh hoạt khác. Điều này đòi hỏi không chỉ sự tham gia của người dân mà còn sự hoàn thiện về hệ thống thu gom và xử lý rác thải.

Để giải quyết những bất cập hiện tại, từ nay đến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ tập trung triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn với ba loại chính nêu trên, áp dụng trước hết đối với các chủ nguồn thải có khối lượng rác thực phẩm lớn như chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn và trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ ăn uống. Những nhóm đối tượng này sẽ là tiên phong trong việc thực hiện mô hình phân loại mới, tạo nền tảng cho việc mở rộng và nhân rộng trên toàn thành phố.

 Phân loại rác thải tại môt cửa hàng bán đồ uống.

Phân loại rác thải tại môt cửa hàng bán đồ uống.

Đối với các đối tượng còn lại, việc phân loại rác tại nguồn sẽ tiếp tục thực hiện theo mô hình phân loại hai loại rác như trước đây, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong quá trình thực hiện thí điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương để theo dõi, đánh giá hiệu quả của chương trình. Từ đó, đề xuất các biện pháp mở rộng nhóm đối tượng thực hiện phân loại chất thải thực phẩm, đảm bảo phù hợp với công nghệ xử lý chất thải mà thành phố đang hướng tới bao gồm sản xuất phân compost, biogas và phân vi sinh hữu cơ.

Trên cơ sở định hướng này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng yêu cầu Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Dự thảo này cần được báo cáo UBND Thành phố trước ngày 4/10/2024, đảm bảo kịp thời triển khai các bước tiếp theo nhằm xây dựng TP.HCM thành đô thị xanh, sạch và bền vững trong tương lai.

Uy Đạt

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-thi-diem-mo-hinh-phan-loai-rac-moi-93932.html