TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường cần hài hòa lợi ích các bên

Các địa phương, chuyên gia ủng hộ việc thu phí vừa có thêm nguồn thu, vừa đảm bảo trật tự vỉa hè, lòng đường.

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định (QĐ) 32/2023 về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Để phục vụ cho nội dung này, hồi tháng 6, Sở GTVT cũng đã có dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Trong đó, mức thu phí cụ thể sẽ được thu tùy theo khu vực.

Sử dụng vỉa hè, lòng đường phải đóng phí

Tại dự thảo đề án, Sở GTVT đã đưa ra năm khu vực thu phí ở nhiều vị trí khác nhau, dựa trên giá đất bình quân của khu vực. Khu vực 1 sẽ là các tuyến đường có giá đất bình quân bằng hoặc cao hơn 36.812.000 đồng/m². Khu vực 1 gồm các quận trung tâm như 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam TP, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh được đề xuất mỗi tháng 50.000-100.000 đồng/m2. Nếu sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy, mô tô và xe đạp sẽ mức thu 180.000-350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 có giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.000 đồng/m2, gồm quận 2 cũ (trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm); hai quận 6, 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam TP); các quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân. Mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh 20.000-30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe 70.000-100.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3, 4 gồm các quận 8, 9, 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh; ba huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 là huyện Cần Giờ, mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và 50.000 đồng/m2 khi dùng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe/tháng.

Trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5 m trở lên. Trong đó có 3.621 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 m và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP, hiện có 92% cửa hàng sử dụng hè phố để đậu xe máy cho khách hàng. Phần lớn cửa hàng sử dụng trong 1-1,5 m chiều rộng hè phố. Cứ trung bình 38 m đường thì có một hàng rong, chiếm tỉ lệ đa số là hàng rong bán đồ ăn uống (69%).

Theo QĐ 32, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.

Vỉa hè, lòng đường tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 bị chiếm dụng. Ảnh: KC

Vỉa hè, lòng đường tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 bị chiếm dụng. Ảnh: KC

Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5 m. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu hai làn ô tô cho một chiều lưu thông. Trường hợp đặc biệt sẽ do UBND TP quyết định.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Sở GTVT cho biết QĐ 32 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9. Tới đây, sở sẽ trình HĐND TP thông qua đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP để làm cơ sở triển khai việc thu phí.

Thu phí sẽ giúp giảm thiểu sử dụng vỉa hè tràn lan

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho rằng việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường là phù hợp. Theo ông Khang, việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường là nên thực hiện, vì nếu không thu phí thì nhiều người vẫn lấn chiếm để sử dụng.

“Hiện quận chỉ đăng ký vài tuyến đường để thu phí do diện tích các tuyến đường ở quận chật hẹp. Tuy nhiên, khi triển khai QĐ 32, quận sẽ kiểm soát chặt việc thuê để làm gì cho đúng mục đích, nếu thuê để xe thì sẽ tạo điều kiện, thuê chứa đồ đạc thì quận kiên quyết không đồng ý” - ông Khang nói.

Còn ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin trước đây vẫn chưa thực hiện thu phí sử dụng phần lòng đường, hè phố. Để thực hiện QĐ 32, quận đã triển khai cho các phòng, ban rà soát tất cả thông tin có liên quan để triển khai thực hiện.

Cụ thể, UBND quận 1 thống nhất ý kiến của Sở GTVT là việc thu phí ngoài mục đích đảm bảo giao thông còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. “Việc thu phí sẽ làm tăng áp lực cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng vì vậy giảm thiểu việc sử dụng lòng đường, hè phố tràn lan. Ngoài ra, điều này cũng giúp sắp xếp bộ mặt đô thị ngày càng hoàn chỉnh hơn...”.

Theo chuyên gia đô thị, vỉa hè, lòng đường ngoài dành cho giao thông thì từ lâu đã gắn liền với người dân TP, có người nhờ vỉa hè mà mưu sinh, thậm chí đã hình thành “văn hóa vỉa hè” nên việc thu phí cần hợp tình hợp lý, hài hòa giữa các bên.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng trước đây thường có khái niệm vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ và phải làm sao trả vỉa hè cho người đi bộ. “Nhưng theo tôi, chúng ta nên nghĩ vỉa hè theo khái niệm đa năng, tức vỉa hè ngoài dành cho người đi bộ còn phục vụ các mục đích khác như kinh doanh, buôn bán, để xe…” - ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cho rằng việc TP chính thức thu phí vỉa hè, lòng đường chính là rất đúng đắn. Tuy nhiên, khi thực hiện cần quan tâm nhiều đến các đối tượng là người nghèo, người bán hàng rong, người mưu sinh trên vỉa hè để hài hòa lợi ích và tạo sự đồng thuận của người dân.•

Nhu cầu kinh doanh ổn định trên vỉa hè

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, quê Bắc Giang vào TP.HCM bán hàng trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Dù QĐ 32 vừa được TP ban hành nhưng chị Trang đã nắm được thông tin. “Tôi có nghe nói về việc thu phí nhưng cũng chưa biết như thế nào, nếu thu thì tôi sẽ đóng vì nếu không cũng không buôn bán được, gánh hàng là nguồn mưu sinh chính của gia đình tôi” - chị Trang nói.

Chị Trang rất mong chính quyền tạo điều kiện cho những người buôn bán như chị dù có phải đóng phí vì khi đó chị buôn bán sẽ yên tâm hơn, không phải lo nay vỉa hè này, mai vỉa hè khác như hiện nay. Không riêng chị Trang, nhiều nơi ở TP.HCM đều có các cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ, shop mặt tiền, quán cà phê, người bán hàng rong có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè để để xe hay phục vụ nhu cầu buôn bán của mình.

KIÊN CƯỜNG - NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-thu-phi-via-he-long-duong-can-hai-hoa-loi-ich-cac-ben-post744282.html