TP HCM thực hiện 5 vấn đề cấp bách
Lãnh đạo TP HCM đề xuất thay đổi quy định 5K, tiếp tục giám sát biến chủng Omicron dòng BA.2
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP với các quận, huyện, TP Thủ Đức vào sáng 9-3, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện TP có cả 2 chủng Omicron dòng BA.1 và BA.2.
Kiềm chế lây nhiễm trong trường học
Ông Tăng Chí Thượng cho biết qua xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc Covid-19, ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%.
Qua giải mã trình tự gien 67 mẫu ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1 và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2. Như vậy, TP HCM ghi nhận vừa có biến thể BA.1 vừa có BA.2. Điều này lý giải vì sao tốc độ lây lan nhanh trong thời gian qua.
Ông Tăng Chí Thượng cũng cho hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định vắc-xin vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể khi nhiễm biến chủng BA.2 nhưng không đủ sức giúp cơ thể không bị lây nhiễm. Do đó, chiến dịch tiêm chủng vẫn cần được đẩy mạnh, dù biến chủng BA.2 đã chiếm ưu thế.
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị TP cần tiếp tục tập trung triển khai chiến lược quan tâm người có nguy cơ cao; chú trọng tiêm vắc-xin cho người cao tuổi và bảo vệ trẻ em chưa tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chức năng xem lại các quy định phòng chống dịch sát tình hình bình thường mới, bởi một số điểm của 5K hiện nay không còn phù hợp nữa.
"Đeo khẩu trang, sát khuẩn thì người dân tương đối quen nên làm được nhưng khoảng cách thì bất ổn rồi. Quy định không tập trung cũng không còn phù hợp nữa nhưng cứ bảo tuân thủ 5K mà không sửa lại cho phù hợp. Người dân không thực hiện được quy định này vì không sát thực tế" - ông Nguyễn Văn Nên nói. Ông dẫn chứng học sinh giữ được khoảng cách lúc học nhưng lúc ăn, ngủ thì không, nên chúng ta phải hướng dẫn lại cho phù hợp thực tế để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh trường hợp hướng dẫn thì có nhưng không làm được.
Bí thư Thành ủy lo ngại nhất là số ca nhiễm Covid-19 ở học sinh cấp tiểu học hiện cao hơn các cấp học khác nên đề nghị có sự phối hợp giữa ngành y tế với nhà trường, phụ huynh để kiềm chế lây nhiễm trong học đường. "Các cháu đi học bị nhiễm Covid-19 cũng ảnh hưởng tới hoạt động của gia đình. Phụ huynh phải chạy tới chạy lui. Chỗ này khó nhưng phải giải được" - ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cho rằng hướng dẫn thủ tục khai báo y tế cần thực sự ngắn gọn, tiện để người dân dễ thực hiện. Người dân phải thấy quyền lợi khi khai báo y tế, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm và tự điều trị. Ngoài ra, ngành y tế cần hướng dẫn công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh và quy định trách nhiệm, chế tài để tránh trường hợp người làm người không làm, dẫn tới hệ quả khác.
Không lo lắng thái quá
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế TP tiếp tục giám sát biến chủng Omicron dòng BA.2 để cảnh báo và có biện pháp phù hợp dựa trên ý kiến cơ quan chức năng là Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới. Tránh lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không lo lắng thái quá dẫn đến hoang mang.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ban, ngành tập trung thêm vào 5 vấn đề: Thứ nhất, tiếp tục giám sát, cảnh báo dịch, đặc biệt là diễn biến của chủng mới. Thứ hai, tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học. Thứ ba, cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của ngành, của cơ quan. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó ngành du lịch sẵn sàng mở cửa cùng các phương án phòng chống dịch chủ động, hiệu quả. Thứ năm, Sở Y tế sớm nghiên cứu đề xuất về quy định mới chỉ số đánh giá cấp độ dịch, có những biện pháp điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với những diễn biến mới của dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho rằng với bộ tiêu chí an toàn sản xuất - kinh doanh thì cần quan tâm hơn đến đặc thù địa phương.Trong đó, cần nghiên cứu thể hiện trong bộ tiêu chí theo tinh thần những F1 không có vấn đề về sức khỏe thì có thể đi làm, F0 thực hiện cách ly. Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị có F0 không triệu chứng, không có vấn đề sức khỏe và tự nguyện thì vẫn duy trì cách làm việc phù hợp. Bởi thực tế nhiều cơ quan có 30-50 F0, cách ly 7-10 ngày, thậm chí 2 tuần thì rất bị động công việc.
"Tất nhiên F0 có triệu chứng cần phải nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe bảo đảm trên hết, trước hết. Nhưng nếu F0 không có triệu chứng thì có thể làm việc với khối lượng công việc phù hợp để bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và kể cả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, chúng ta nên cập nhật vào bộ tiêu chí để vận dụng phù hợp" - ông Phan Văn Mãi nói.
Gần 66.000 bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày 9-3
Bộ Y tế cho biết ngày 9-3, cả nước ghi nhận 164.596 ca mắc Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó TP Hà Nội nhiều nhất với 31.365 ca. Số ca mắc tăng mạnh ở các tỉnh phía Bắc và nhiều tỉnh miền Trung.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước trong 7 ngày qua là 141.797 ca/ngày. Trong ngày, có 65.872 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.878 ca, giảm gần 400 ca so với ngày trước đó. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 198,6 triệu liều vắc-xin Covid-19. Đã có 62/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc-xin Covid-19 trên 90%.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-thuc-hien-5-van-de-cap-bach-20220309212751853.htm