TP.HCM: Tìm hướng phát triển đô thị carbon thấp, giảm phát thải nhà kính

Biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt có nguyên nhân chính do sự phát thải khí nhà kính quá mức từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khiến mọi đô thị phải nỗ lực tìm hướng giảm phát thải.

 Phối cảnh mô hình tuyến xe buýt BRT số 1 tại TP.HCM

Phối cảnh mô hình tuyến xe buýt BRT số 1 tại TP.HCM

Nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) mới đây đã chỉ ra rằng, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh đã mang đến nhiều cơ hội, lợi thế cho TP.HCM trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt là TP.HCM đang trong giai đoạn là trụ cột của phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, hướng đến phát triển kinh tế cũng đồng thời mang đến nhiều thách thức về vấn đề môi trường, an sinh xã hội, trong đó đáng chú ý là vấn đề phát thải khí nhà kính ngày càng tăng mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, sức khỏe người dân, dẫn tới biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của TP.HCM là trên 58 triệu tấn CO2. Trong đó, hoạt động công nghiệp phát thải hơn 17,6 triệu tấn CO2. Những ngành có lượng phát thải cao là hóa học (chiếm 63%), dệt may (16,1%), sản xuất kim loại (14,7%)... Các hoạt động giao thông đường bộ phát thải hơn 13,4 triệu tấn CO2, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất - chiếm gần 63%.

Theo ước tính của các tổ chức môi trường quốc tế, mỗi năm, thế giới có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và kế sinh nhai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều quốc gia bắt đầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải.

Theo thông tin chi tiết từ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trên địa bàn TP.HCM hiện nay đang có 140 cơ sở lớn trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công thương cần thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải theo yêu cầu của Chính phủ.

Để triển khai hoạt động này, từ đầu năm 2022, TP.HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập Nhóm công tác chung giữa TP và WB về sự phát triển toàn diện và bền vững. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần, trong đó có Nhóm phát thải carbon thấp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: MT

Kế hoạch đô thị carbon thấp ở TP.HCM bao gồm các hoạt động, khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của thành phố trong lĩnh vực phát thải carbon thấp; đề xuất chương trình đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên; đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành trung ương và tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ WB và các đối tác để triển khai kế hoạch carbon thấp. Nhóm phát thải carbon thấp đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích, phương pháp tiếp cận nhằm ưu tiên các hoạt động có tác động cao nhất với chi phí hiệu quả nhất có thể.

Góp ý các giải pháp để TP.HCM triển khai có hiệu quả mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một số chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là các sở, ban, ngành trên địa bàn phải tham gia một cách đồng bộ.

Theo quan điểm từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cũng như với quy định của Bộ TN-MT, TP.HCM bắt buộc phải tuân thủ kiểm kê, cắt giảm khí nhà kính trong 5 lĩnh vực, bao gồm: Sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp, xử lý chất thải.

Để có thể giảm khí nhà kính tiến tới phát triển đô thị carbon thấp, thành phố cần có những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, có sự tham gia đồng bộ của các đơn vị, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Chẳng hạn, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần áp dụng, triển khai giải pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh để tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước và đẩy mạnh tái chế chất thải.

Xe buýt điện hoạt động tại TP.HCM, được kỳ vọng là một trong những giải pháp giảm phát thải

Đối với lĩnh vực năng lượng, phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực giao thông vận tải cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông, phát triển xe điện... Trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh tái chế chất thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ... Đối với xử lý chất thải đô thị cần đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tiến tới việc đốt rác phát điện. Tuy nhiên, thành phố nên xác định lĩnh vực nào phát thải nhiều nhất thì tập trung nguồn lực thực hiện trước, nếu dàn trải sẽ không hiệu quả.

Lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho hay, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính, con số này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố cũng đã và đang hợp tác với các tổ chức C40 (Mạng lưới các thành phố lớn cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu), JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) để thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Hòa Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tp-hcm-tim-huong-phat-trien-do-thi-carbon-thap-giam-phat-thai-nha-kinh-post158766.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi