TP.HCM triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, mới lạ

Trong nửa đầu năm 2023, ngành du lịch TP.HCM đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, không chỉ gây ấn tượng mà còn tạo sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch thành phố đạt doanh thu 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lưu trú và ăn uống trên địa bàn thành phố đạt 51.073 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu lữ hành đạt 4.827 tỷ đồng, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành du lịch TP.HCM đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ trong nửa đầu năm 2023.

Ngành du lịch TP.HCM đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ trong nửa đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, ngành du lịch TP.HCM đã đón hơn 16,4 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022; lượng khách quốc tế đạt hơn 1,9 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Các chuyên gia nhận định, những con số này đã phản ánh sự nhộn nhịp trở lại của khách du lịch và đa dạng hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn TP.HCM trong nửa đầu năm 2023. Đồng thời, hoạt động của doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thuận lợi khi đang vào mùa cao điểm trong năm vào dịp Hè 2023 và tâm lý không lo sợ COVID-19 bùng phát trở lại từ sau lễ 30/4 năm nay.

Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2023, ngành du lịch TP.HCM đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, không chỉ gây ấn tượng mà còn tạo sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.

Đơn cử như sản phẩm du lịch “Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị” do Ủy ban Nhân dân quận 4 phối hợp Sở Du lịch TP.HCM và Công ty dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt khảo sát, xây dựng đã được giới thiệu trong chương trình “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng."

Cụ thể, sản phẩm này mang đến cho du khách hành trình tham quan Bến Nhà Rồng-Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP.HCM, được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố năm 2011 - địa danh lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Bên cạnh đó, du khách có thể ngắm nhìn TP.HCM tại Cầu Mống - một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất Sài Gòn; du ngoạn sông Sài Gòn ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều trong điệu nhạc dân tộc...

Hay như sản phẩm du lịch gắn kết với khai thác giá trị văn hóa, lần đầu tiên triển khai là chương trình tham quan Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM trong hai ngày. Tour tham quan Nhà hát TP.HCM kết hợp ga tàu điện Metro Nhà hát thành phố cũng góp phần tăng thêm độ nhận diện thương hiệu thành phố, thể hiện sự thân thiện, cởi mở và hướng đến sản phẩm du lịch bản địa.

Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4, quận đã khảo sát và xây dựng kế hoạch ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm giới thiệu, quảng bá điểm du lịch đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Từ đó, chính quyền địa phương đồng hành tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành có nhiều lựa chọn nghiên cứu sản phẩm du lịch mới, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Về vấn đề này, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, việc trên địa bàn có 21 địa phương ra mắt sản phẩm đặc trưng đã khẳng định ý nghĩa của chương trình “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng. Tại thời điểm phát động chương trình "Mỗi quận huyện có một sản phẩm đặc trưng," ngành du lịch TP.HCM đã bổ sung thêm 60 tour tuyến sản phẩm mới.

“Trong thời gian tới, Sở Du lịch thành phố đề nghị và khuyến khích UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức tiếp tục phát huy lợi thế địa phương, gồm: sản phẩm đặc trưng ngành nghề như “nghề đóng giày”; du lịch ẩm thực đa dạng..., liên kết giữa các địa phương lân cận, nhằm tiếp thêm động lực phát triển cho du lịch thành phố, tạo sự lan tỏa, nâng cao hoạt động thu hút khách du lịch," ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ thêm.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành du lịchTP.HCMđịnh hướng chú trọng triển khai Chiến lược Phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bànTP.HCMgiai đoạn 2021-2025.

Đồng thời,ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch và dự án tích hợp thông tin dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Sở Du lịch thành phố tập trung tổ chức phong phú hoạt động, sự kiện trọng tâm, gồm: Lễ hội Sông nước lần thứ 1; Hội chợ Du lịch Quốc tếTP.HCMlần thứ 17; Tuần lễ Du lịchTP.HCMnăm 2023...

Yến Thanh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-nhieu-san-pham-dich-vu-du-lich-hap-dan-moi-la-78837.html