TP.HCM 'trọng thương' nhưng không tổn thương

TP.HCM đang ngẩng đầu cao vượt qua cơn 'động đất và sóng thần' thế kỷ mang tên Covid-19.

LTS: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa, kéo dài đến hết 29/6. Sẽ có rất nhiều khó khăn phát sinh mà người dân phải trải qua.

Những dòng suy tư dưới đây của nhà văn Sương Nguyệt Minh nói hộ tâm trạng của nhiều người dân TP. Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân của ông.

Phố xá quận Gò Gấp, TP.HCM vắng lặng những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Phố xá quận Gò Gấp, TP.HCM vắng lặng những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Sài Gòn giãn cách lần 2, thêm 14 ngày nữa. Im ắng quá! Heo hắt, buồn tẻ quá.

Người Sài Gòn thèm nhìn thấy cảnh ùn tắc, kẹt xe lúc sáng mai khi chiều tà, thèm được đi giữa dòng xe máy ô tô chật đường, thèm được nghe tiếng càu nhàu, quát tháo mỗi khi chen vai thích cánh trên đường hẹp.

Muốn được trở lại cái thường nhật đã từng mệt nhoài, phiền toái khó chịu mỗi khi trên đường đến cơ quan và cả lúc chiều vãn về nhà.

Muốn được nghe tiếng rao đêm lúc gần lúc xa, mòn mỏi, hụt hơi: "Bắp xào, khoai lang nướng, hột gà nướng, hột vịt lộn đâ...ây".

Muốn dừng lại ghé bên đường dưới ánh đèn vàng ệch khuya khoắt ăn đêm, bởi nước miếng tứa ra không chịu nổi tiếng mời gọi lốc cốc... lốc cốc từ thanh tre gõ đều đều trễ nải trên tay ông già bán hủ tiếu gõ.

Muốn được nhìn thấy chị ve chai vai gầy theo bên là mấy đứa nhóc còi cọc đêm đêm chúi đầu vào đống rác chợ nhặt túi nilon, vỏ lon, đầu cá, mảnh nhựa..., bỗng dưng nghĩ hóa ra công chức quèn như mình vẫn còn quá sướng, rồi chợt thở dài.

Muốn… muốn...

Tất cả dường như biến mất, như chưa từng hiện diện. Đường phố vắng hắt hiu xe cộ, thì chẳng có va chạm và tiếng càu nhàu trách móc, cãi lộn. Chợ không họp thì rác cũng chẳng còn. Đêm không người ra đường thì hủ tiếu, mì gõ, hàng ăn vặt… bán cho ai?

Có một Sài Gòn cần lao, lam lũ còn như thế, phỏng nhà hàng sang trọng, khách sạn 5 sao có rực rỡ ánh đèn đêm và nườm nượp khách năm châu bốn bể?

Sài Gòn đang bị "trọng thương"!

Hơn 1.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2, số lượng nhiều thứ ba sau Bắc Giang, Bắc Ninh. Cửa hàng, quán xá đóng. Giao thông ngưng đọng. Các hoạt động giải trí đình trệ. Những ông hoàng bà chúa trên sân khấu, tụ điểm ngồi nhà đeo khẩu xem bóng đá Việt Nam - UAE.

Doanh nghiệp nhỏ phá sản. Doanh nghiệp vừa ngắc ngoải. Doanh nghiệp lớn sống cầm hơi. Người người thất nghiệp hoặc giãn việc… Tất cả đều do loài virus SARS-CoV-2 chết tiệt.

Sài Gòn rộng lớn bao dung, hào phóng đón nhận người từ Bắc, từ Trung vào, từ miền Tây lên, từ miền Đông đến. Rồi người tứ xứ và người bản địa cùng nhau làm nên một bản sắc Sài Gòn hôm nay.

Sài Gòn của Sài Gòn và Sài Gòn của cả nước. Cả nước xót thương Sài Gòn, Sài Gòn đón nhận, nhưng từ chối lòng thương hại dễ gây tổn thương. Không kêu than, chẳng cầu xin, Sài Gòn đủ mạnh, đủ lớn để gồng mình vượt qua cơn thử thách thế kỷ. Chỉ cần có cơ hội, chỉ cần vượt qua đận sóng gió này, thì Sài Gòn sẽ lại là Hòn ngọc Viễn Đông.

Sài Gòn bị "trọng thương" nhưng không "tổn thương". Sài Gòn đang ngẩng đầu cao vượt qua cơn "động đất - sóng thần" thế kỷ mang tên Covid-19.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mọi ý kiến, bài viết trao đổi xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/tp-hcm-trong-thuong-nhung-khong-ton-thuong-747082.html