TP.HCM 'tuyệt chủng' nhà ở giá rẻ, có tiền tỉ cũng không mua được nhà

Dân số TP.HCM đang tăng đột biến nhưng bài toán về nhu cầu nhà ở giá thấp vẫn chưa giải được. Hiện tại, căn hộ có giá dưới 1,5 tỉ đang dần biến mất khỏi thị trường.

TP.HCM không còn nhà ở giá thấp - Ảnh: Phan Diệu

TP.HCM không còn nhà ở giá thấp - Ảnh: Phan Diệu

Thiếu nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, TP.HCM đang có hơn 8,9 triệu người (bao gồm cả người có đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên). Thế nhưng trên thực tế, dân số của thành phố lên đến khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và khách vãng lai. Bình quân cứ mỗi 5 năm, TP.HCM tăng thêm khoảng 1 triệu người. Mỗi năm tăng gần 200.000 người, trong đó tăng cơ học khoảng 140.000 người, tăng tự nhiên với khoảng trên dưới 60.000 em bé chào đời/năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng trong cơ cấu dân cư đô thị, người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp chiếm tỷ lệ lên đến khoảng 80% và có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là loại nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Đối với người nhập cư, nhất là công nhân, lao động thì có nhu cầu cao về nhà trọ, phòng trọ giá rẻ.

Trong khi đó, TP.HCM chỉ đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ và dự kiến năm 2020 có thể hoàn thành 20.000 căn. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa thì vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Những dự án này cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện đồng bộ.

Tại hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19”mới diễn ra, ông Nguyễn Tấn Hoàng, CEO Phú Hoàng Land cũng nhận định dân số TP.HCM đang tăng đột biến nhưng bài toán về nhu cầu nhà ở vẫn chưa giải được do nguồn cung rất thiếu trong bối cảnh pháp lý bất động sản bị siết chặt. Đặc biệt, sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2 rất hiếm hoi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM đang ngày càng khan hiếm. Các dự án căn hộ này ở TP.HCM đang được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh… với khoảng giá trung bình từ 30-35 triệu đồng/m2. Điều này đồng nghĩa các căn hộ dưới 1,5 tỉ đang dần biến mất.

“Hiện nay, căn hộ dưới 1,5 tỉ thực sự rất khó tìm tại TP.HCM. Với mức giá trung bình từ 30 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 50m2 cũng khoảng 1,5-1,75 tỉ đồng, chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì căn hộ. Như vậy, với một gia đình có 2 con nếu muốn mua một căn hộ lớn hơn, có diện tích từ 65m2 sẽ phải có tài chính 2-4 tỉ. Đây là khoảng tài chính khó chạm tới của nhiều cặp vợ chồng có thu nhập thấp”, ông Hoàng nói.

Chờ căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2

Thông tin về tình hình nhà ở giá thấp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nói rằng để giảm giá đầu vào cho các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở thương mại giá thấp thì Nhà nước cần có cơ chế tháo gỡ. Vấn đề này có thể ảnh hưởng tới việc tăng dân số, cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành.

Trong đó, Bộ Xây dựng đang tính toán thúc đẩy xây dựng sản phẩm từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống, đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá thấp bằng các ưu đãi. Đơn cử như ưu đãi chậm nộp, thậm chí miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tháo gỡ thủ tục xây dựng... Bộ cũng kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phân khúc này thì phải tạo điều kiện cho chủ đầu tư.

Để tháo gỡ cho nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và hiện đã có gói tín dụng với khoảng 2.000 tỉ đồng. Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỉ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy những năm tới phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc.

Cũng theo ông Ninh, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/tphcm-tuyet-chung-nha-o-gia-re-co-tien-ti-cung-khong-mua-duoc-nha-139610.html