TP.HCM ứng phó thế nào với tình hình dịch COVID-19 gia tăng?

TP.HCM đang theo dõi sát diễn tiến của dịch COVID-19, khi cần, Sở Y tế sẽ khởi động lại BV dã chiến số 13 theo các kịch bản ứng phó đã được xây dựng sẵn.

Chiều 15-9, tại họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP, đã thông tin về tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Theo bà Như, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang gia tăng, TP.HCM cũng không ngoại lệ. Trong bốn tuần gần đây, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế tại TP.

Chia sẻ về kế hoạch ứng phó với tình hình này, bà Như cho biết hiện tất cả các bệnh viện (BV) đều có khoa điều trị COVID-19. Các BV cũng theo dõi sát diễn tiến của dịch, khi cần thì Sở Y tế sẽ khởi động BV dã chiến số 13 theo các kịch bản ứng phó đã được xây dựng sẵn.

Đồng thời, để phòng dịch, TP đang tăng cường tiêm vaccine để tăng độ bao phủ miễn dịch, đặc biệt tiếp tục kế hoạch bảo vệ nhóm người nguy cơ, tuyên truyền 2K…

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận diễn tiến số ca mắc mới trong thời gian qua vẫn còn biến động khó lường, có tuần có giảm nhẹ, rồi sau đó tăng lên. Do đó vẫn phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan với dịch COVID-19.

Cũng tại họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết vừa qua Sở đã ghi nhận báo cáo từ BV Nhân dân 115 về việc thiếu thuốc Pralidoxim 500mg.

Thuốc này được sử dụng trong điều trị ngộ độc hóa chất hoặc thuốc trừ sâu phosphat hữu cơ.

Theo bà Như, việc thiếu thuốc là do công ty trúng thầu gián đoạn cung ứng vì số đăng ký hết hạn, chưa gia hạn được số đăng ký. Hiện nay, BV Nhân dân 115 cũng đã tìm được nhà cung ứng khác với số lượng đang có sẵn tại BV là 36.000 ống với hạn sử dụng đến tháng 4-2024 và sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu điều trị.

Tỉ lệ tiêm vaccine trẻ em thấp hơn trung bình cả nước

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết tính đến thời điểm này, toàn TP.HCM có hơn 256.000 trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3, chiếm 34,2% và hơn 290.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine mũi 2, chiếm 34,75%.

Bà Nga cho biết tỉ lệ tiêm vaccine của hai nhóm trẻ này đều thấp hơn khoảng 20% so với tỉ lệ trung bình cả nước. Do đó, cần có sự nỗ lực vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-ung-pho-the-nao-voi-tinh-hinh-dich-covid-19-gia-tang-post698778.html