TP HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc
Cách đây 40 năm, quân và dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc
Ngày 20-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức hội thảo khoa học “TP HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh, Campuchia”. Dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang, lãnh đạo ban ngành TP và các nhà khoa học.
Hồi sinh cả một dân tộc
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Lê Văn Minh cho biết cách đây 40 năm, quân và dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari giúp hồi sinh cả một dân tộc.
"Đến nay, với những sáng tỏ của lịch sử, chúng ta một lần nữa tự hào khẳng định rằng: Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên cương ở Tây Nam và phía Bắc của quân và dân ta là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tinh thần láng giềng thủy chung, chí tình, chí nghĩa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia" - ông Lê Văn Minh nhấn mạnh.
Để làm rõ nguyên nhân, tính tất yếu của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; làm rõ vai trò hậu phương trực tiếp của TP HCM…, ông Lê Văn Minh mong muốn các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận, phân tích những nội dung chủ yếu, nổi bật nhất, cụ thể là: Làm rõ nguyên nhân, tính tất yếu, diễn biến, quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng, tổ chức lực lượng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1977 - 1979), biên giới phía Bắc (1979 - 1989).
Làm rõ vai trò hậu phương trực tiếp của TP HCM, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giữa TP HCM với các tỉnh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong các trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1989); phối hợp với quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng; góp phần thắng lợi bảo vệ vững chắc tổ quốc, xây dựng và bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Làm sâu sắc hơn vai trò của TP HCM cùng cả nước thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp bạn Campuchia, trực tiếp tại thủ đô PhnômPênh (1979 - 1989), giúp đất nước Campuchia hồi sinh đất nước, bước vào kỉ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển. Ý nghĩa lịch sử và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng và tổ chức lực lượng của TP HCM, phối hợp với các tỉnh bạn và nhân dân Campuchia trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng; 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh vận dụng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển TP HCM hiện nay.
Đóng góp quan trọng của TP HCM
Với nội dung TP HCM với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (1979-1989), PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói khi chiến tranh biên giới diễn ra, TP HCM đã phát động phong trào "mỗi một mũi chông là một viên đạn", nhân dân TP sôi nổi hưởng ứng, chỉ trong thời gian ngắn, TP chuyển lên biên giới 3 triệu cây chông tre và chông sắt do hàng vạn đồng bào đóng góp, 481.265 bàn chông sắt do các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, 70 tấn sắt thép, 82 tấn xi măng, 96.700 cuốc xẻng, 5.000 dao, lưỡi cưa…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, cùng với việc tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, TP HCM đã chi viện cho tiền tuyến 39 ôtô các loại, 100 xe đạp thồ… Trong hoàn cảnh Việt Nam vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hậu quả về kinh tế-xã hội do chiến tranh và chế độ cũ để lại hết sức nặng nề. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn như vậy, Việt Nam vẫn hết lòng giúp đỡ Campuchia với tinh thần quốc tế trong sáng. Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu anh dũng kết hợp với lực lượng Campuchia đánh bật quân Khmer Đỏ tại thủ đô Phnôm. Sau khi Campuchia được giải phóng, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền, lực lượng, hỗ trợ vật chất, giúp Campuchia phục hồi kinh tế từ đống đổ nát…
Về những đóng góp của nhân dân TP HCM vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, gửi tham luận đến hội thảo, PGS-TS Trần Thị Mai, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, cho biết để đảm bảo chi viện kịp thời sức người, sức của cho cuộc chiến đấu ở biên giới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân TP cuộc vận động "Vì tuyến đầu Tổ quốc".
Cùng thanh niên cả nước, hàng ngàn thanh niên ở TP HCM đã viết đơn tình nguyện bằng máu để xin được ra chiến trường. Đặc biệt, phong trào "Vì điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc" do Thành đoàn TP phát động đã có tác động định hướng sâu sắc tuổi trẻ TP hướng về tiền tuyến bằng nhiều hành động thiết thực: tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang, quyên góp tài chính, vật chất chi viện cho phía trước, tổ chức nhiều đoàn đại biểu đi thăm và tặng quà các đơn vị quân đội…
Đặc biệt là 5.000 đoàn viên thanh niên TP đã huy động tham gia trực tiếp cùng nhân dân tỉnh Tây Ninh xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Lực lượng thanh niên xung phong đã điều động 3.600 thanh niên xung phong lên đường phục vụ chiến đấu…
Để tri ân và ghi nhớ công lao của quân tình nguyện Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã từng khẳng định: "Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế"