TP.HCM: Vốn FDI giảm sâu trong 8 tháng đầu năm

Trong buổi giao ban thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm sâu trong 8 tháng đầu năm 2020.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tác động từ đại dịch Covid -19 lên toàn cầu và việc giãn cách xã hội là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư vốn FDI vào Việt Nam, trong đó có TP.HCM.

Cụ thể, trên địa bàn toàn TP hiện có 9.765 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư, kể cả cấp mới và tăng vốn, là 47,84 tỷ USD. Tính chung, vốn thu hút được 2,61 tỷ USD, giảm 32,08% tổng số vốn đầu tư sao với cùng kỳ.

Trong đó, các dự án cấp mới có 669 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 393, 21 triệu USD, giảm 18% số dự án cấp mới và giảm 47,85% vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu Công nghiệp TP.HCM cấp 7 dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 661 dự án, Ban Quản lý Khu công nghệ cao cấp 1 dự án.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở -ngành của TP.HCM cần khởi động lại các chương trình xúc tiến đầu tư. Ảnh: Bảo Lan.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở -ngành của TP.HCM cần khởi động lại các chương trình xúc tiến đầu tư. Ảnh: Bảo Lan.

Các dự án FDI chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đầu tư nhiều nhất - khoảng 42,85%.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 22,79%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 12,22%; Công nghệ chế biến, chế tạo chiếm 8,99%; Thông tin và Truyền thông chiếm 5,52%, Xây dựng chiếm 2,61%.

Phân theo quốc tịch đầu tư, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với tỷ trọng chiếm đến 23,77%, tiếp theo là Singapore (20,43%), Hàn Quốc (13,14%); British Virgin Island (12,53%), Hà Lan (6,74%), Thái Lan (4,02%), Hồng Kông (3,61%) và Malaysia (2,79%).

Ngoài ra, có 143 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước và hiện nay thực hiện điều chỉnh, mở rộng với số vốn tăng thêm đạt 243.13 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn).

Thành phố cũng đã chấp thuận cho 2.682 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp tương đương 1,98 tỷ USD (giảm 7,04% so với cùng kỳ về trường hợp và giảm 26,1% về vốn đầu tư).

Bên cạnh đó, hiện TP HCM cũng đã có đến 92 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, việc đi lại mở cửa biên giới của nhiều quốc gia vẫn đang được kiểm soát. Điều đó cũng sẽ tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp vốn FDI và do đó sẽ ảnh hưởng đến báo cáo chỉ số phát triển kinh tế của TP vào cuối năm nay.

Do vậy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần phải phối hợp với các sở ngành để khởi động lại các chương trình xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình của dịch bệnh, trong đó, việc chuyển đổi số được hỗ trợ từ tổ chức USAID cũng là một giải pháp thiết thực đển giúp TP.HCM nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Bảo Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tphcm-von-fdi-giam-sau-trong-8-thang-dau-nam-542426.html