TP.HCM xin tăng cường hơn 6.000 chiến sĩ, nhân viên quân y từ Quân khu 7
TP.HCM kiến nghị hơn 6.000 cán bộ chiến sĩ chủ lực, nhân viên quân y cùng với xe cứu thương của Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân, tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, vừa ký tờ trình UBND TP kiến nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, nhằm đẩy nhanh nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh tại TP theo Nghị quyết 86 của Chính Phủ, Tổ điều phối nguồn nhân lực trình UBND TP kiến nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xem xét tăng cường hỗ trợ lực lượng quân y và xe cứu thương cho TP.HCM
Cụ thể đối với nhân viên quân y, TP cần 400 bác sĩ quân y, 1.600 nhân viên y tế, 30 lái xe cứu thương và 30 nhân viên y tế theo xe cứu thương.
TP còn cần 4.000 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu 7 và 30 xe cứu thương.
Theo Tổ điều phối nguồn nhân lực, hiện nay tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM đang rất phức tạp, có khả năng lây lan nhanh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP đã huy động nhiều nguồn lực gồm lực lượng y tế tại TP và do Bộ Y tế huy động; giảng viên, sinh viên ngành y ở TP và các tỉnh, thành khác.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-10 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội khóa XV.
Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.
Kể từ ngày bắt đầu giãn cách, trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”. Trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Riêng TP.HCM phải phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9-2021.