TP. Hồ Chí Minh: Bàn nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, duy trì tăng trưởng
Chiều ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cuối năm 2023. Các vấn đề thu chi ngân sách và giải pháp tăng nguồn thu, duy trì tăng trưởng kinh tế được đặc biệt quan tâm.
Điểm sáng sản xuất công nghiệp, du lịch dịch vụ
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng đầu năm 2023, thành phố duy trì đà tăng trưởng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp và sức mua trong nước, đảm bảo cung cầu hàng hóa, duy trì ổn định hoạt động ngân hàng.
Trong 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 3,7% (so với cùng kỳ), đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 9%; tổng doanh thu du lịch tăng gần 33%; khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng hơn 55%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng gần 22%; sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt hơn 139 triệu tấn, tăng gần 3%.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 372.708 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 63.894,241 tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, tăng 55,16%.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 3.386.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 92,2% tổng nguồn vốn huy động.
Thành phố cũng ghi nhận nhiều điểm sáng khi hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực. Các chính sách, văn bản triển khai thực hiện cơ chế thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh từng bước được hoàn thiện, tổ chức thực thi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của thành phố tiếp tục được tăng cường, mở rộng, nâng cao hình ảnh, thương hiệu địa phương.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15%, tỷ lệ vốn đăng ký của doanh nghiệp tiếp tục chiều hướng tăng, tháng sau cao hơn tháng trước.
Quyết liệt nhiều giải pháp tăng thu
Báo cáo cho biết, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 13,4% so cùng kỳ).
Tại thời điểm này, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 24.000 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch vốn được giao. Mặc dù có mức tăng so với tháng trước, nhưng chưa đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố bị gián đoạn, chưa kịp thời trở thành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là việc cắt giảm lao động tăng, tạo áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp cũng tác động lớn đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố. Theo đó, lũy kế kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2023 giảm hơn 13%.
“Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng giảm 4,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có hơn 25.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 29,5%; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng hơn 2,3 tỷ USD, giảm hơn 32% so với cùng kỳ”- bà Mai nêu.
Về chỉ số lao động việc làm, 10 tháng đầu năm 2023 cũng có những dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù trong tháng 10/2023, tỷ lệ có tăng nhẹ, song với tình hình này, dự báo khả năng việc cắt giảm lao động sẽ tăng trong quý IV, tạo áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố và thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã hội những tháng cuối năm.
Đối với tình hình thu chi ngân sách trên địa bàn thành phố, ông Lê Duy Minh - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho hay, tổng thu ngân sách đến thời điểm này ước tính 372.000 tỷ đồng, đạt hơn 79% dự toán. Điều này cho thấy tình hình thu ngân sách của thành phố cũng đang rất khó khăn. Theo ông Minh, từ nay tới cuối năm, TP. Hồ Chí Minh dự báo hụt thu từ 4 – 5%, trong đó, riêng hải quan có mức hụt thu là khoảng 20.000 tỷ đồng. Do đó, ông Lê Duy Minh đề nghị tập trung vào các khoản nợ thuế; nguồn thu trước mắt là số thu nội địa.
“Hiện TP. Hồ Chí Minh đang có số nợ thuế tương đối lớn, trên 40.000 tỷ đồng, trong đó, đối với Hải quan là gần 2.000 tỷ đồng, do đó đề nghị các cơ quan thuế, hải quan tập trung để đẩy mạnh nguồn thu” – ông Minh nói. Về nguồn thu đã giãn thuế cho doanh nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng, theo ông Minh, con số này sẽ thu lại bắt đầu trong ngày 31/12, từ đó cũng hỗ trợ cho thành phố đảm bảo tăng thêm nguồn thu.
Từ nay tới cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các ngành các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân đầu tư công, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của thành phố, góp phần duy trì và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023./.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các cấp, các ngành tập trung cao độ vào một số nội dung phải triển khai... “Chúng ta không nên mở rộng, không nên quá ôm đồm nhiều nội dung mà nên tập trung vào năng lực tổ chức thực hiện, cụ thể là thực hiện Nghị quyết 98 và nhiệm vụ của năm 2024” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.