TP Hồ Chí Minh: Bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 với người ra đường có lý do chính đáng
Ngày 12/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình ký công văn triển khai các biện pháp khẩn cấp về giao thông vận tải trong phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Văn bản được ban hành trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh trải qua 4 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Việc giám sát đi lại trong TP Hồ Chí Minh và cửa ngõ được thắt chặt, một số khu vực vẫn ghi nhận tình trạng ùn tắc cục bộ.
Theo đó, với chỉ đạo mới lần này, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp có nhu cầu thật sự cần thiết đi lại trong phạm vi thành phố. UBND TP Hồ Chí Minh giao Công an TP chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Công an TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng ứng trực tại các chốt kiểm soát, có giải pháp linh hoạt để hạn chế ùn tắc giao thông, tập trung đông người; phối hợp Sở Giao thông Vận tải TP tổ chức phân luồng xanh (tạo làn riêng), ưu tiên kiểm tra nhanh đối với xe có thẻ nhận diện.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu Công Nghệ cao tiếp tục tuyên truyền; tăng cường tuần tra trên địa bàn; xử lý nghiêm người vi phạm về an ninh trật tự hoặc vi phạm trong phòng, chống dịch và nhất là trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Chính quyền các địa phương chủ động làm việc những các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, phối hợp các địa phương giáp ranh có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển để đưa ra giải pháp hạn chế đi lại (tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất).
Các đơn vị tính toán, tổ chức xe đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia và hạn chế xe cá nhân qua lại giữa địa phương. Các cơ quan chủ quản căn cứ theo tình hình thực tế phòng, chống dịch để điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất tại phân xưởng.
Trước đó, trong cuộc giao ban trực tuyến với Sở Chỉ huy chống dịch TP sáng cùng ngày 12/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TP cần xem xét lại việc chống lây nhiễm chéo, bảo đảm giãn mật độ tối đa. Công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, TP cần tính toán thêm phương án cách ly F1 tại nhà.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cách ly F1 tại nhà là một bước tiến nhưng cần tiếp tục xem xét điều chỉnh tiêu chí, điều kiện quy định hiện nay. Ông đã giao Bộ Y tế cùng TP bàn bạc, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới phù hợp.
Trong công tác điều trị, TP cần có sự điều chỉnh từ chiến lược hạn chế số ca F0 sang hạn chế trường hợp tử vong, theo dõi rất sát các F0 không có triệu chứng đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không để nặng lên.
Về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, các chuyên gia y tế lưu ý người tiêm vaccine sau vài tuần mới sinh kháng thể có tác dụng bảo vệ. Vì vậy, kế hoạch tiêm của TP cần xem xét, ngoài các lực lượng nòng cốt trong chống dịch, phục vụ phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân.
Theo các chuyên gia, không nhất thiết tập trung vào những vùng dịch đang lây nhiễm cao mà thay vào đó là những vùng đệm an toàn, những nhà máy tổ chức sản xuất an toàn.
Từ 27/4 đến sáng 12/7, TP ghi nhận 13.556 ca mắc Covid-19. TP bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Các dịch vụ ăn uống mang về phải tạm dừng, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Các phương tiện giao thông công cộng, vận chuyển người bằng xe hai bánh như xe ôm, xe công nghệ... đều phải tạm dừng hoạt động.