Tp.Hồ Chí Minh cần làm gì để nới lỏng giãn cách an toàn?

Tp.Hồ Chí Minh đang xem xét để nới lỏng giãn cách một số khu vực, đồng thời xây dựng phương án khôi phục dần các hoạt động kinh doanh khi điều kiện cho phép.

Nâng cao ý thức người dân

Trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, hiện nay, ở một số địa phương "vùng xanh" của Thành phố có thể dần mở cửa trở lại, người dân ở những khu vực này có thể quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, cùng với việc mở cửa phát triển kinh tế thì chúng ta cần lưu ý những vấn đề như: số ca mắc hàng ngày, số ca bệnh nặng mới, số ca tử vong.

Bác sĩ Khanh cho biết, khi nới lỏng giãn cách cần kiểm soát chặt chẽ con số này, vì đây là những bệnh nhân cần sự hỗ trợ của đội ngũ y tế. Nếu những ca bệnh này tăng lên sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế.

Đặc biệt là số ca tử vong cũng phải quan tâm khi đánh giá tình hình dịch của địa phương. Chúng ta cần có những kế hoạch để hạn chế các chỉ sổ trên tăng cao và những giải pháp cụ thể đối với những ca bệnh nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình tiêm vắc-xin cho người dân, vì đây là biện pháp quan trọng để hạn chế việc lây lan trong cộng đồng, tạo điều kiện giúp cho việc mở lại các hoạt động.

“Người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, tuân thủ nghiêm ngặt 5K. Đặc biệt, cho dù nới lỏng giãn cách, người dân được quay trở lại sản xuất nhưng cần hạn chế tiếp xúc với những người chưa được tiêm phòng vắc-xin, những người có bệnh nền để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho nhóm người này. Bởi, đây là nhóm người dễ mắc bệnh và nếu mắc sẽ dễ chuyển biến nặng”, bác sĩ Khanh tư vấn.

Tiêm vắc-xin là một trong những điều kiện để sớm quay trở lại sản xuất.

Tiêm vắc-xin là một trong những điều kiện để sớm quay trở lại sản xuất.

Cần có sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện

Dưới góc độ kinh tế, trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chủ trương của Tp.Hồ Chí Minh bắt đầu nới lỏng dần ở các khu vực khác nhau là đúng đắn, quá trình thực hiện lần này chính quyền hết sức lắng nghe người dân, chuyên gia, học hỏi ý kiến giữa các nước.

"Tuy nhiên, trong trường hợp không đảm bảo an toàn sức khỏe thì cần phải thắt chặt ngay”, bà Lan lưu ý.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ sự ủng hộ lớn trước việc "nới lỏng theo vùng của Tp.Hồ Chí Minh: “Không thể một thành phố rộng lớn lại chung một cơ chế. Thực tế, có nơi còn nhiều ca mắc, nhưng có nơi đã kiểm soát được dịch.

Đối với những nơi vùng xanh, tiêm chủng cao, tỉ lệ tử vong giảm có thể thực hiện nới lỏng giãn cách. Nên áp dụng việc cấp thẻ xanh cho người dân, xây dựng những vùng xanh, tuyến đường xanh để hoạt động sản xuất được diễn ra an toàn, ngoài ra cần tuân thủ 5K dù đã tiêm chủng đủ vắc-xin”.

Bà Phạm Lan Chi nhấn mạnh trong quá trình thực hiện nới lỏng giãn cách tới đây, cần làm rõ, minh bạch việc nới lỏng đến đâu, giãn cách đến đâu. Những gì còn hạn chế chưa được thực hiện thì phải nhắc nhở cho người dân hiểu để họ làm theo. Phải rõ chủ trương để mọi người cùng biết.

Đặc biệt, chuyên gia đề nghị: “Phải có thống nhất trong các cấp chính quyền, nhất là cán bộ cơ sở phải hiểu đúng chủ trương, chính sách. Nới lỏng, giãn cách đến mức nào thì cần phải hiểu rõ, những gì quy định không yêu cầu thì cán bộ thực hiện không được đòi hỏi, gây bức xúc, bất tiện cho người dân”.

Chuyên gia Phạm Lan Chi chia sẻ: "Cán bộ cơ sở phải hiểu rõ quy định nới lỏng giãn cách".

Chuyên gia Phạm Lan Chi chia sẻ: "Cán bộ cơ sở phải hiểu rõ quy định nới lỏng giãn cách".

Có quá sớm để nới lỏng giãn cách?

Nhìn nhận dưới góc độ phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho biết: “Việc giãn cách quá lâu khiến người dân đã kiệt dần về tinh thần cũng như thu nhập. Mặc dù, Chính phủ có những gói hỗ trợ, tuy nhiên cũng không thể hỗ trợ dài hạn, người dân cũng mong muốn được làm việc, sản xuất thay vì ngồi nhà nhận hỗ trợ”.

Chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ: “Việc mở cửa dần trong giai đoạn này có vai trò quan trọng. Nếu đến hết tháng 9 chúng ta không quay trở lại sản xuất để có hàng hóa phục vụ cho giai đoạn cuối năm sẽ gây những thiệt hại lâu dài về mặt kinh tế”.

Theo ông Thịnh, để làm được điều này, việc xét nghiệm trên diện rộng có tác động rất lớn, ngoài ra cũng cần tiêm đủ vắc-xin cho người dân. Người dân cũng phải nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong sinh hoạt và sản xuất. Nếu không thực hiện và đảm bảo phòng chống dịch khó quay trở lại trạng thái bình thường.

Hồng Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tpho-chi-minh-can-lam-gi-de-noi-long-gian-cach-an-toan-a527204.html