TP.Hồ Chí Minh đang trở lại đầu tàu kinh tế

GRDP quý I/2024 của TPHCM ước tăng 6,54%, đạt mục tiêu đề ra cũng là tốc độ cao tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020. Đây là cơ sở để TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 - 8% cho cả năm 2024, trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Quyết tâm bứt phá

Mức tăng trưởng này rất đáng khích lệ, khi trước đó các chuyên gia kinh tế dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM chỉ tăng trưởng ở mức 5,5%, làm nhiều chuyên gia lo lắng về sự suy thoái của đầu tàu kinh tế cả nước. Tuy nhiên TPHCM đang tìm cách bứt phá, trong đó Nghị quyết 98 đã và đang tạo ra một hành lang thể chế mạnh mẽ, là chìa khóa để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển thành phố (TP) và thúc đẩy tăng trưởng.

Dịch vụ vẫn là động lực chính của TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2024, đóng góp đến 71,6% vào tốc độ tăng trưởng chung và chiếm 65,6% cơ cấu nền kinh tế. Điều đáng mừng là công nghiệp cũng có chuyển biến tốt, đóng góp 16,4% vào mức tăng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 5,1%, cao hơn Hà Nội (3,6%), Đà Nẵng (0,6%), Cần Thơ (2,1%) nhưng thấp hơn Hải Phòng (12,6%).

Ngày 27/2/2024 Khu công nghệ cao TPHCM và Siemens EDA ký kết ghi nhớ hợp tác

Ngày 27/2/2024 Khu công nghệ cao TPHCM và Siemens EDA ký kết ghi nhớ hợp tác

Một thông tin tích cực nữa là TPHCM vẫn là địa phương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 247 dự án FDI, tăng 14,4%. Nhưng quy mô vốn hiện khá thấp, chỉ 0,44 triệu USD mỗi dự án (quý I/2023 là 0,62 triệu USD mỗi dự án), cho thấy TPHCM chưa thu hút được các doanh nghiệp (DN) FDI quy mô lớn.

GRDP quý I tăng trưởng khả quan như vậy làm cơ sở cho TPHCM thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 - 8% cho cả năm 2024, đưa TPHCM trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thách thức về tăng trưởng kinh tế của TPHCM năm nay là sự hồi phục của công nghiệp có cải thiện nhưng còn chậm, bình quân chỉ 1,8% từ 2019 đến nay. Ba tháng đầu năm 2024, nhiều ngành sản xuất như điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, quần áo, giày da vẫn suy giảm. Điểm trừ của TPHCM là môi trường kinh doanh trên địa bàn chưa cải thiện đáng kể. Trong quý I, cứ một DN mới tham gia thị trường lại có một DN rút lui, tức tỷ lệ 1/1. Tỷ lệ tương ứng vào cùng kỳ năm ngoái là 1/0,9. Dư nợ tín dụng tăng 8%, vẫn khá khiêm tốn so với mục tiêu 15% kế hoạch năm.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để đến 31/3 giải ngân đạt 5.600 tỷ đồng thì mỗi tuần TPHCM phải giải ngân hơn 200 tỷ đồng. Các quý còn lại mỗi quý phải giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng là một thách thức nếu không có sự quyết tâm cao của toàn hệ thống. Do đó giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả năm 2024. Dự kiến hết quý này, TPHCM giải ngân được hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10% vốn giao cả năm (gần 8.000 tỷ đồng).

Các động lực tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng

Tại Hội nghị lần thứ 28 BCH Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức ngày 27/3/2024, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu: Kinh tế - xã hội của TPHCM trong quý I đạt nhiều kết quả nổi bật. TPHCM đã thích ứng linh hoạt, nhạy bén trước tình hình, diễn biến mới xảy ra trên địa bàn; các chỉ số về kinh tế - xã hội trong quý I có nhiều điểm sáng, nhiều lĩnh vực của TPHCM đang trên đà phục hồi; hoạt động du lịch khởi sắc, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi; niềm tin của cộng đồng DN đang tăng lên; công tác chuyển đổi số, đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn đánh giá: Nhìn lại quý I/2024, TPHCM vẫn còn không ít hạn chế. Các động lực tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn còn yếu, các yếu tố cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư FDI, giá thuế đất, hạ tầng bến cảng... chưa hấp dẫn nhà đầu tư và chưa góp phần thúc đẩy phát triển, nhất là các lĩnh vực mới nổi. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu đặt ra, cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến chưa mạnh... Vấn đề của TPHCM là tìm cách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đây là điểm yếu dễ thấy nhất của một đầu tàu kinh tế. TPHCM cần những động tác "lót ổ" để đón các DN lớn, đặc biệt với công nghệ cao. Do vậy cần thực hiện đồng loạt các giải pháp thu hút vốn đầu tư FDI. Trong đó về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, TP cần xây dựng được nền hành chính ngang tầm với sự phát triển trong tình hình mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, tin cậy đối với nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần đáp ứng các chuẩn mực để nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường. Nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực, vốn đầu tư. Đây là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư lớn tầm cỡ.

TPHCM cần nghiên cứu sử dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành để đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

TP cần quỹ đất lớn trên 100ha. Các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động hầu như không thể đáp ứng yêu cầu này. Do đó TP cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các KCN đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư đưa vào khai thác. Do vậy cần nghiên cứu quy hoạch mới một số KCN theo chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TPHCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Năm 2024 TPHCM tiếp tục tập trung nâng cao tỷ trọng thu hút nguồn vốn FDI có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.

Hiện TPHCM đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI vào các KCN, KCX, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao. Triển khai thực hiện đề án chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, KCN, KCX theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là mục tiêu TPHCM hướng tới. TPHCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi. Đồng thời, tăng cường kết nối liên vùng, hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

TPHCM còn một lực đẩy rất quan trọng khác là Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết này đã và đang tạo ra một hành lang thể chế mạnh mẽ, là chìa khóa để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển TP và thúc đẩy tăng trưởng xanh, mở ra cơ hội để TPHCM thu hút nhân tài tham gia vào hệ thống chính trị, phát triển khoa học - công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng của TP.

Phấn đấu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo

TPHCM đang triển khai các giải pháp để trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tàu về phát triển kinh tế số của Việt Nam. Việc TPHCM phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR), dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2024 được xem là một trong các đề án phát triển kinh tế quan trọng của TPHCM, đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển của TPHCM trong tương lai.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bắt tay đại diện WEF, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bắt tay đại diện WEF, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF

TPHCM đang nỗ lực triển khai các giải pháp để trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tàu về phát triển kinh tế số của Việt Nam. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), quy mô kinh tế số TPHCM hiện chiếm khoảng 14,41% trong tổng giá trị GRDP của TP, ước lượng quy mô đến 8,27 tỷ USD (khoảng 191.768 tỷ đồng). Mục tiêu về kinh tế số của TPHCM đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP TP. TPHCM cũng có cơ sở trở thành một "TP kỳ lân" trong tương lai, là nơi quy tụ các công ty công nghệ được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Vấn đề còn lại là "lót ổ", hỗ trợ cho các công ty "kỳ lân".

Xuân Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tpho-chi-minh-dang-tro-lai-dau-tau-kinh-te_161670.html