TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh xử lý nợ thuế khó thu

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hiện đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ thuế để triển khai các công việc liên quan đến việc khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế, theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 do Quốc hội ban hành.

Giao dịch thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh ĐD

Giao dịch thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh ĐD

Chia sẻ về tình hình nợ thuế trên địa bàn, ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số thuế nợ thu hồi đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm.

Cụ thể, năm 2018 đã thu hồi được 6.656 tỷ đồng; năm 2019 đã thu hồi được 8.583 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2020 đã thu hồi được 2.855 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng số tiền thuế nợ là 30.172 tỷ đồng, trong đó nợ dưới 90 ngày và trên 90 ngày là 13.778 tỷ đồng chiếm 45,66%; nợ đang xử lý là 1.786 tỷ đồng chiếm 5,92%; nợ đang khiếu nại 829 tỷ đồng chiếm 2,75%; nợ khó thu 13.779 tỷ đồng chiếm 45,67%.

“Nợ khó thu chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng qua các năm do phát sinh tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Qua thống kê, tiền thuế nợ không còn khả năng nộp NSNN là tiền thuế nợ của những trường hợp người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; mất khả năng thanh toán, phá sản; giải thể không còn hoạt động sản xuất kinh doanh. Cơ quan thuế đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng NNT không còn khả năng nộp thuế vào NSNN...” – ông Lê Duy Minh nói.

Cục trưởng Cục Thuế TP. hồ Chí Minh Lê Duy Minh (phải) khen thưởng các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Ảnh ĐD

Cục trưởng Cục Thuế TP. hồ Chí Minh Lê Duy Minh (phải) khen thưởng các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Ảnh ĐD

Để tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết xử lý nợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được chính xác, đúng quy định, đúng tiến độ và mục tiêu đề ra, đồng thời theo đúng các chỉ đạo của cơ quan cấp trên, Cục Thuế thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai nghị quyết xử lý nợ tại Cục Thuế để triển khai các công việc liên quan; đồng thời tập trung vào hàng loạt các hoạt động.

Theo ông Lê Duy Minh, đó là chủ động rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, theo từng đối tượng được xử lý nợ đảm bảo chính xác và lập văn bản xác minh tình trạng hoạt động của NNT tại địa chỉ đã đăng ký giữa cơ quan quản lý thuế với UBND cấp xã về việc NNT không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nợ.

Cục thuế tổ chức tập huấn, đào tạo các nội dung của nghị quyết xử lý nợ và các văn bản hướng dẫn, hồ sơ, thủ tục hành chính, quy trình xử lý cho cán bộ thuế; công khai các quy trình, thủ tục về xử lý nợ để NNT thuận tiện trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện và giám sát công chức thuế thực hiện; hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xử lý nợ, thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc; riêng những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ tham mưu, báo cáo cơ quan cấp trên chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh danh sách, thông tin các DN được khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế để làm cơ sở phối hợp giải quyết, xử lý các trường hợp DN đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh khóa trạng thái hoạt động, hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng có đề nghị khôi phục lại hoạt động hoặc khôi phục tình trạng pháp lý.

“Cơ quan thuế cũng công khai quyết định khoanh nợ tiền thuế, quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về khoanh nợ, xóa nợ của Quốc hội trên địa bàn vào tháng cuối của mỗi quý để báo cáo kịp thời các cơ quan cấp trên…” – ông Lê Duy Minh nhấn mạnh./.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-14/tp-ho-chi-minh-day-manh-xu-ly-no-thue-kho-thu-93468.aspx