Tp Hồ Chí Minh đề xuất hình thành và phát triển 3 cụm y tế chuyên sâu

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hình thành và phát triển 3 cụm y tế chuyên sâu gồm Cụm y tế trung tâm, Cụm y tế Tân Kiên và Cụm y tế Thủ Đức.

Các bác sĩ Bệnh viện FV và Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: TTXVN phát

Các bác sĩ Bệnh viện FV và Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: TTXVN phát

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo kiến nghị của Sở Y tế, Thành phố sẽ phát triển 3 cụm y tế chuyên sâu gồm Cụm y tế trung tâm, Cụm y tế Tân Kiên và Cụm y tế Thủ Đức. Trong đó, Cụm y tế trung tâm giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu, Cụm y tế Tân Kiên đang trên lộ trình hiện thực hóa thành những cơ sở y tế chuyên sâu với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế vùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long. Cụm tế Thủ Đức sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm trách phát triển y tế vùng Đông Nam bộ.

Cụ thể, Cụm y tế trung tâm bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành đóng trên địa bàn Thành phố (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược…), hệ thống các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Thành phố (Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương…), Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, Ngân hàng máu. Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chính về đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Cụm trung tâm.

Trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo, Cụm trung tâm vẫn giữ vai trò chủ lực trong đảm trách phát triển y tế chuyên sâu vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thành phố và khu vực phía Nam vừa chịu trách nhiệm hỗ trợ, phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam; đồng thời chia sẻ nguồn lực để phát triển hai cụm y tế còn lại của Thành phố.

Cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) bao gồm các bệnh viện hiện hữu đang hoạt động: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Trung tâm Pháp y. Sắp tới sẽ hình thành thêm các bệnh viện: Bệnh viện Sản phụ khoa, Bệnh viện Chấn thương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa trực thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, Ngân hàng máu, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao...Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chịu trách nhiệm chính về đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Cụm y tế Tân Kiên.

Cụm y tế Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) bao gồm các bệnh viện đang hoạt động: Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Quân dân Y miền Đông. Hiện Cụm đang được bổ sung quy hoạch phát triển thêm một số bệnh viện chuyên khoa như Sản, Mắt, Ngoại, Tâm thần và Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao. Ngoài ra, tại cụm này còn có Khoa Y của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phát triển trở thành trường Đại học Sức khỏe và định hướng sẽ có một bệnh viện đa khoa hoạt động theo mô hình viện-trường.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng của công tác quản lý hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố là không ngừng nâng cao năng lực, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và công bằng trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trước tình hình quy mô dân số ngày càng tăng, ngoài phục vụ nhu cầu của người dân cư trú trên địa bàn thì Thành phố còn phải có trách nhiệm đối với người dân các tỉnh, thành phố lân cận. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển hệ thống y tế theo các cụm là giải pháp quan trọng không chỉ để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trên địa bàn mà còn giúp phát huy tối đa nguồn lực để phát triển y tế vùng.

"Việc phát triển y tế chuyên sâu theo phân cụm cần phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Thành phố, phải có hệ thống giao thông thuận tiện giữa các cơ sở y tế trong cùng một cụm và giữa cụm với y tế vùng, phân bổ đồng đều năng lực điều trị trên các lĩnh vực chuyên ngành. Mỗi cụm đều có các cơ sở y tế thuộc hệ thống y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Mỗi cụm có sự liên kết chặt chẽ với các trường đại học khối ngành sức khỏe, phát triển mô hình viện - trường nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao", ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển 3 cụm y tế chuyên sâu, Sở Y tế Thành phố đã xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống y tế; trong đó kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển y tế chuyên sâu, nhất là tại 2 cụm y tế mới tại Tân Kiên và Thủ Đức. Lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc sớm hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa sâu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân./.

Đinh Hằng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-de-xuat-hinh-thanh-va-phat-trien-3-cum-y-te-chuyen-sau/307599.html