TP Hồ Chí Minh: Dịch sởi gia tăng mạnh, một trẻ tử vong

Ngày 3/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc bệnh sởi tại Thành phố tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ từ 11 đến 14 tuổi. Đáng chú ý, có một trẻ 12 tháng tuổi tử vong do mắc sởi.

Cụ thể, trong tuần 48 năm 2024, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 319 ca mắc sởi, tăng hơn 58% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca nhập viện do bệnh sởi là 180, tăng gần 37%, trong khi số ca điều trị ngoại trú đạt 180, tăng gần 99%. Đặc biệt, đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sởi ở trẻ 12 tháng tuổi.

Trẻ mắc sơi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trẻ mắc sơi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trường hợp tử vong là một bé gái chưa được tiêm vaccine sởi, có cơ địa suy dinh dưỡng và mắc tật thiểu sản phổi bẩm sinh. Bé sinh vào tháng 11/2023, cư trú tại phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức. Từ ngày 20/11/2024 đến 28/11/2024, bé được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng hậu sởi và xét nghiệm dương tính với sởi.

Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trường hợp tử vong này là lời cảnh báo nghiêm trọng về mức độ nguy hiểm của dịch sởi, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt đối với những nhóm có nguy cơ cao mắc biến chứng nặng khi nhiễm bệnh.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 2.438 ca mắc sởi, bao gồm 1.752 ca nội trú và 686 ca ngoại trú, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác đến điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng gia tăng, với 574 ca, tăng 29,3% so với trung bình 4 tuần trước. Trong số này, có 342 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại bệnh viện của TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dịch sởi đang gia tăng mạnh ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi và nhóm từ 11 đến 14 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ mắc ở nhóm 6 đến 9 tháng tuổi tăng chậm hơn và nhóm từ 1 đến 10 tuổi không ghi nhận sự gia tăng đáng kể.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh nhận định, số ca mắc sởi sẽ tiếp tục tăng cao, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà nguy cơ bùng phát dịch còn có thể xảy ra ở nhiều khu vực khác trên cả nước nếu vấn đề miễn dịch cộng đồng chưa được giải quyết. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Chỉ có tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch mới có thể kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh”.

Để ứng phó với dịch sởi, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Tính đến ngày 1/12/2024, chiến dịch đã thực hiện được 6.278 mũi tiêm (đạt 17,16% so với tổng số trẻ đã được rà soát). Đồng thời, thành phố tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đến nay, hầu hết các quận, huyện đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu tiêm chủng.

Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cần tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Đối với các bệnh viện và cơ sở y tế, ngành y tế chỉ đạo tăng cường rà soát và tổ chức tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (như trẻ mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.

Ngoài ra, các hoạt động giám sát, truyền thông và phòng chống dịch trong cộng đồng cần được đẩy mạnh. Các trường học có trách nhiệm phối hợp tổ chức tiêm chủng, lưu trữ đầy đủ hồ sơ tiền sử tiêm chủng và phối hợp với các đơn vị y tế trong việc phòng chống dịch bệnh sởi.

Theo ngành y tế, bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và rất dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với bàn tay bị nhiễm dịch tiết từ người bệnh. Những nơi tập trung đông người như trường học, nơi công cộng… là môi trường có nguy cơ cao lây lan dịch sởi.

Tiêm vaccine được coi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi, gồm: Giai đoạn khởi phát: Sốt; mắt đỏ, kèm nhèm, sưng nề mi mắt; chảy nước mắt, nước mũi, ho. Giai đoạn phát ban:Phát ban khởi đầu ở sau tai, sau đó lan đến mặt, cổ, ngực, lưng, tay và chân. Giai đoạn lui bệnh: Ban nhạt dần và để lại vết thâm có dạng “vằn da hổ,” sau đó biến mất theo thứ tự xuất hiện ban đầu.

Những triệu chứng trên cần được theo dõi và xử lý kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-dich-soi-gia-tang-manh-mot-tre-tu-vong-20241202191901938.htm