TP Hồ Chí Minh: Điều tra án kinh tế gặp khó do chờ kết quả định giá tài sản
Công tác định giá, giám định tài sản trong các vụ án đang có vấn đề, phải có giải pháp chấn chỉnh - đây là nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức vào ngày 3/7.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng dự.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, thực trạng hiện nay trong công tác định giá, giám định, một là sợ chậm trễ, không dám làm; hai là định giá không có hậu quả nhưng ai cũng biết hậu quả rất lớn. “Không thể để cơ quan chức năng này làm thay đổi kết quả tố tụng mà phải ngăn chặn tiêu cực, trì trệ, không bình thường, như thế mới đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát; cần thiết phải báo cáo Thành ủy xin ý kiến, chủ trương để răn đe giáo dục, xử nghiêm kẻ chiếm đoạt” - Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Trí yêu cầu Viện Kiểm sát Thành phố trong thời gian tới tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác trọng tâm; bảo đảm tiến độ, chất lượng các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo. Đối với các vụ án kéo dài tồn đọng, Viện Kiểm sát Thành phố cần tăng cường trao đổi với các cơ quan liên quan để tháo gỡ, không để mắc phải những vấn đề đã trải qua rồi.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đang tập trung giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài về tham nhũng, kinh tế. Những vụ việc kéo dài khiến các hoạt động kinh tế đình trệ, tài sản trong những vụ việc này bị treo. Đánh giá kỹ, đây là thiệt hại lớn cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phan Văn Mãi mong muốn thời gian tới, các đơn vị cần phối hợp tốt hơn, đẩy nhanh giải quyết tội phạm và chuyển biến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở góc độ phòng, chống. Đối với những vụ việc tồn đọng về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Thành phố chỉ đạo Cơ quan điều tra phối hợp với Viện Kiểm sát đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết, qua đó góp phần giải phóng các nguồn lực có liên quan và khơi dậy các hoạt động bình thường của kinh tế, xã hội.
Tham luận tại hội nghị, ông Ngô Phạm Việt, Trưởng Phòng Kiểm sát án kinh tế, tham nhũng và chức vụ (Phòng 3) - Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác kiểm sát điều tra các vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gặp khó khăn, vướng mắc do... chờ kết quản giám định tài sản. Ví dụ như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, việc định giá tài sản rất chậm, đến nay đã gần hết gia hạn điều tra vụ án lần thứ 2 nhưng nhiều tài sản vẫn chưa có kết quả định giá. Bên cạnh đó, nhiều tài sản được kết luận định giá giá trị quyền sử dụng đất thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng. Viện Kiểm sát Thành phố đã có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra yêu cầu định giá lại tài sản. Cơ quan điều tra đã gửi yêu cầu tới Bộ Tài chính nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.
Có trường hợp, cơ quan giám định đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì; chậm yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ; kết luận giám định chung chung không rõ quan điểm. Một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, từ chối việc giám định, định giá. Ông Ngô Phạm Việt dẫn chứng, vụ án xảy ra tại Công ty Xây dựng Tân Thuận có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ liên quan, dẫn đến việc Cơ quan An ninh điều tra phải gửi yêu cầu giám định tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến thời điểm kết thúc điều tra vẫn chưa có kết quả giám định, do đó, Cơ quan An ninh điều tra phải tách vụ việc riêng để tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm ở Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo không ít khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong công tác phòng, chống tội phạm. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đã trực tiếp kiểm sát điều tra đối với vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, khởi tố hơn 130 bị can; vụ án cưỡng đoạt tài sản tại Công ty F88, khởi tố 10 bị can; vụ án vận chuyển trái phép ma túy qua sân bay Tân Sơn Nhất, khởi tố hơn 60 bị can... Đáng chú ý, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố ghi nhận có xuất hiện các đối tượng sử dụng tiền mã hóa (Bitcoin) để thanh toán giao dịch mua bán trái phép chất ma túy.