TP Hồ Chí Minh định hướng phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn
Tại Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến 2040, tầm nhìn 2060 (theo Quyết định 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã chia sẻ một số định hướng quan trọng.
Theo đó, TP được định vị là một đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, với trình độ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới. TP sẽ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ hàng đầu châu Á, khẳng định vị thế và vai trò dẫn dắt trong khu vực.
Mô hình đô thị của TP HCM được xây dựng theo hướng đa tâm và đa dạng không gian sinh thái, tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên và vị trí chiến lược. Nguồn lực phát triển đô thị của TP hội tụ quanh sông Sài Gòn và chín trục xuyên tâm quan trọng, gồm bốn trục Đông - Tây và năm trục Bắc - Nam. Những trục này không chỉ là huyết mạch giao thông, mà còn là động lực lan tỏa cơ hội kinh tế theo ba vành đai và hành lang kinh tế biển, biến TP trở thành địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong quy hoạch mới, TP sẽ cấu trúc không gian phát triển theo sáu phân vùng chính, mỗi phân vùng được tổ chức không gian gắn liền hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
Cụ thể: Phân vùng đô thị trung tâm, nằm phía trong đường Vành đai (VĐ) 2 và phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ; Trung tâm của phân vùng phía Bắc, tại khu vực giao giữa VĐ3 và QL22, kéo dài đến đường cao tốc Mộc Bài - TP HCM; Trung tâm của phân vùng phía Tây, tập trung tại khu vực Tân Kiên; Trung tâm của phân vùng phía Nam, với sự mở rộng của khu vực Phú Mỹ Hưng về phía Nam; Trung tâm của phân vùng phía Đông Nam, gồm khu vực đô thị lấn biển Cần Giờ.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, dù mỗi vùng được định hướng với những tính chất đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều là những vùng đa chức năng; được thiết kế để đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống chất lượng cao tại chỗ, cho một bộ phận lớn người dân. Mỗi phân vùng sẽ thực hiện vai trò trung tâm ở cấp vùng, quốc gia và quốc tế, gắn liền khung hạ tầng đô thị đồng bộ.
Trong số các định hướng phát triển theo mô hình này, việc phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn được xem là một trọng tâm mang tính đột phá. Đây là yếu tố then chốt, hứa hẹn đưa TP lên một tầm cao mới, đạt đẳng cấp quốc tế.
Cụ thể hóa định hướng này, TP sẽ lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị. Từ khu vực trung tâm truyền thống ven sông, TP sẽ phát triển một dải đô thị hai bên bờ sông như một “trái tim mở rộng”, là vùng trung tâm quan trọng và có giá trị bậc nhất của TP, được xây dựng với bản sắc độc đáo, gắn liền cảnh quan dòng sông.
Nâng tầm ý nghĩa của sông Sài Gòn, TP sẽ xây dựng khu vực này trở thành không gian giao lưu và trục kinh tế chủ đạo; tổ chức một dải công viên công cộng liên tục ven sông, giúp khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông một cách dễ dàng cho cộng đồng.
Hiện thực hóa những định hướng này, một số dự án đã, đang và sẽ được triển khai, như dự án xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78km, quy mô từ 4 đến 8 làn xe, kết nối từ Tây Ninh với Củ Chi đến Cần Giờ… Tuyến đường này sẽ trở thành một trục kết nối quan trọng giữa các xã, phường dọc hành lang Bắc - Nam, đồng thời kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch như VĐ 2, 3, 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tuyến đường ven sông cùng các trục kết nối này sẽ góp phần mở ra không gian phát triển cho các khu vực cạnh sông như cung đường Đào Trí, Nguyễn Văn Quỳ, Hoàng Quốc Việt, khu vực Thủ Thiêm, Ba Son…
TP kỳ vọng việc xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn mở ra hướng phát triển đô thị mới, còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch; góp phần làm đẹp cảnh quan ven sông, thu hút đông đảo du khách.