TP Hồ Chí Minh: Định hướng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững qua ESG

Việc áp dụng các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) vào chiến lược phát triển du lịch sẽ giúp Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch; bảo vệ và phát triển bền vững các tài nguyên.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: Trang Thông tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: Trang Thông tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

Ngày 6/9, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Oxalis phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo “Định hướng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững qua ESG” tại Thành phố.

Tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng song song với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành Du lịch cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội. Đặc biệt sau COVID-19, tâm lý và hành vi tiêu dùng của khách du lịch càng chú trọng đến các tiêu chí về môi trường và xã hội trong việc lựa chọn điểm đến.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong hành trình hướng đến phát triển bền vững và toàn diện, thì tích hợp các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG (Môi trường-Environmental, Xã hội-Social, Quản trị-Governance) vào chiến lược, cũng được xem là “cánh cửa” cho sự phát triển của ngành trong tương lai.

Hiện nay, hầu hết các hãng du lịch lớn của thế giới đều yêu cầu thực hành ESG đối với đối tác, nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng, nên thực hành ESG tốt sẽ là hành trang vững chắc và công cụ marketing tốt cho doanh nghiệp trong tiếp cận khách du lịch riêng lẻ, khách đoàn, hay khách doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo nghiên cứu khảo sát cũng cho thấy, các tổ chức, doanh nghiệp du lịch lữ hành Việt Nam thực hiện cam kết về ESG có thể tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách và góp phần phát triển du lịch tại điểm đến một cách bền vững.

Đồng thời, việc áp dụng các yếu tố ESG vào chiến lược phát triển du lịch cũng sẽ giúp Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, bảo vệ và phát triển bền vững các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc-lãnh đạo ESG, Công ty PWC Việt Nam, phân tích thông qua việc áp dụng hệ thống nguyên tắc ESG trong du lịch, cộng đồng doanh nghiệp có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tạo ra những giá trị xã hội tích cực, gồm tăng cường cuộc sống cộng đồng, bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương…

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch-lữ hành Việt Nam có thể bắt đầu thực hành ESG bằng việc quản trị tốt và mỗi doanh nghiệp có thể tự đặt ra mục tiêu hành động mà không cần có sự tác động nào từ bên ngoài như tăng cường tính minh bạch, đảm bảo các quyết định kinh doanh hướng đến sự bền vững lâu dài.

Tiếp theo, thực hành yếu tố môi trường căn cứ vào hoạt động của công ty để có đánh giá và tự đặt ra mục tiêu cải thiện tác động tiêu cực đến môi trường thông qua giảm lượng khí thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Cuối cùng là thực hành yếu tố xã hội tùy theo phạm vi kinh doanh tác động đến cộng đồng, doanh nghiệp tự đưa ra mục tiêu và giải pháp riêng cho công ty mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-dinh-huong-thuc-day-phat-trien-du-lich-ben-vung-qua-esg-post974682.vnp