TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp không mặn mà xây nhà ở xã hội

Thủ tục rườm rà, chính sách ưu đãi DN hạn chế và lợi nhuận thấp… là những rào cản khiến nhà ở xã hội (NƠXH) kém hấp dẫn DN đầu tư.

Dự án nhà ở xã hội tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh

Dự án nhà ở xã hội tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh

Nhu cầu lớn

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó, 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà và khoảng 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn không đủ điều kiện bồi thường hoặc tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại.

Từ năm 2006 đến nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 51 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), tổng số hơn 48.000 căn hộ và đã hoàn thành 12 dự án, với gần 4.000 căn hộ. Một số dự án điển hình: Chung cư Đông Hưng II, khu dân cư An Sương, dự án 242/16 Bà Hom, 157/R8 Tô Hiến Thành, khu liên hợp cao ốc thương mại và căn hộ Hoàng Quân…

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng - cho rằng, lượng NƠXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở của người thu nhập thấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khiến người thu nhập thấp tiếp cận được với NƠXH như: Thủ tục xét duyệt phức tạp, yêu cầu chứng minh thu nhập không hợp lý, thời gian chờ đợi lâu...

Không hấp dẫn doanh nghiệp

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2016-2020, thành phố tiếp tục triển khai 39 dự án NƠXH với tổng diện tích đất hơn 140ha, quy mô 44.701 căn hộ. Tuy nhiên, các DN địa ốc khá hờ hững với phân khúc nhà ở này.

Ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh - cho biết, công ty không thực hiện các dự án NƠXH bởi quỹ đất rất hiếm, chi phí đầu tư cao, lợi nhuận ít, trong khi chính sách hỗ trợ của thành phố chưa thỏa đáng.

Theo ông Trương Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân - thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án, xây dựng NƠXH tương đối phức tạp, tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, lợi nhuận định mức lại bị khống chế ở mức 10% và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì DN không được tự quyết định về giá bán. Ngoài ra, chính sách ưu đãi NƠXH như gói ưu đãi về tín dụng lại không được duy trì thường xuyên và có định hướng rõ ràng…

Để giảm bớt thủ tục hành chính, ông Tuấn cho rằng nên tập trung về một cơ quan như Sở Xây dựng làm đầu mối, tránh các DN phải chạy nhiều cơ quan khác nhau như hiện nay.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành - đề xuất nên tạm ngưng việc xây dựng NƠXH dạng bán đứt cho khách hàng mà chuyển sang dạng cho thuê. “Công ty đã xây dựng 300 căn hộ có diện tích 19-20m2 với giá cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, có 1.800 căn hộ diện tích từ 35-38m2 được thuê dài hạn 49 năm dành cho hộ gia đình” - ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ.

Lượng NƠXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người thu nhập thấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ngọc - Thùy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-doanh-nghiep-khong-man-ma-xay-nha-o-xa-hoi-77957.html