TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp lo ngại sức mua dịp Tết giảm
Hiện tại đã có không ít doanh nghiệp (DN) chủ lực của TP. Hồ Chí Minh đang lo sức mua tiêu dùng dịp Tết Canh Tý 2020 đạt thấp so với kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, theo báo cáo từ các DN chủ lực đăng ký thực hiện cung ứng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết Canh Tý 2020, nguồn hàng đã sản xuất, dự trữ đa số đều vượt mức đăng ký với chính quyền thành phố. Không chỉ số lượng dồi dào, nhiều mặt hàng mới, mẫu mã đang dạng cũng đã được các DN chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.
Tính đến thời điểm này, các DN đã sản xuất, dự trữ để cung ứng cho hai tháng Tết đạt 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng so với Tết 2019, trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ 26/12/2019 đến 24/1/2020), tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.088,5 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho thị trường thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính, do các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30 - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60- 70% thị phần; 10 - 20% thị phần do các DN khác cung ứng.
Lượng hàng hóa nhập chợ đầu mối bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Vào thời điểm cận Tết, dự kiến lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Ngành Công Thương thành phố dự báo, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng bia, nước giải khát trên địa bàn thành phố khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng bánh, mứt, kẹo khoảng 19.000 tấn. Trong dịp Tết năm nay, các DN bánh kẹo đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết mang đậm màu sắc, không khí Xuân; đặc biệt dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica... chú trọng đầu tư.
Về các mặt hàng hoa cảnh, dự kiến dịp Tết Canh Tý, thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó bốn chợ chuyên kinh doanh hoa lớn gồm chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và hai chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức sẽ cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Nhằm giúp người dân thành phố có điều kiện thưởng lãm, mua sắm hoa xuân, đồng thời hỗ trợ nhà vườn các tỉnh thành tiêu thụ hoa kiểng Tết. Chợ đầu mối Bình Điền sẽ tổ chức chợ hoa Tết Canh Tý 2020 trong 9 ngày (từ 16/1/2020 (22 tháng chạp) đến ngày 24/1/2020 (30 tháng chạp) với quy mô 14.000m2. “Nhìn chung, năm nay thị trường Tết tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý", bà Trang nhận định.
Cho đến nay, hầu hết các DN đăng ký tham gia cung ứng hàng Tết Canh Tý đã sẵn sàng để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít DN hiện đang lo nguồn hàng Tết năm nay rất dồi dào, trong khi nhu cầu mua sắm hàng Tết so với mọi năm là không tăng nhiều, điều này dẫn đến mãi lực của thị trường hàng Tết đạt thấp.
Saigon Co.op sẽ cung ứng cho thị trường đạt 1.950 tấn/tháng, Công ty Vissan 1.435 tấn/tháng, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn 250 tấn/tháng, Công ty C.P. Việt Nam 600 tấn/tháng, Công ty TNHH San Hà 750 tấn/tháng, Công ty CP Sài Gòn Food 2.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 33% so với Tết năm ngoái. Ngoài kế hoạch đưa vào thị trường lượng hàng hóa lớn, các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5- 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op - cho biết, tổng mức trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op, bao gồm hàng bình ổn giá cho Tết năm nay, tùy ngành hàng sẽ tăng từ 15 - 40% so với năm trước, đảm bảo đủ hàng bình ổn 3 tháng trước, trong và sau Tết. Chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu, hàng đặc trưng Tết. Riêng mặt hàng thịt sẽ không lo thiếu hàng do đã chuẩn bị xong hơn 3.500 tấn thịt heo an toàn đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp lớn như Vissan, Meat Hà Nam, Anh Hoàng Thy. Chưa hết, theo ông Đức, để tích cực tham gia bình ổn giá, Saigon Co.op còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản và luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Sở Công Thương thành phố vận động các siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể: từ ngày 20 - 27 tháng chạp 2019, mở cửa từ 7h - 23h đêm. Từ ngày 28 - 29 tháng chạp, mở cửa từ 6h-24h đêm. Ngày 30 tháng chạp, mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa. Khai trương năm mới 2020, 8h sáng mồng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Mùng 6 Tết Nguyên đán, hoạt động kinh doanh bình thường.