TP. Hồ Chí Minh: Giải tỏa công suất điện mặt trời

Tính đến ngày 30/7/2020, toàn bộ 638 tuyến dây trung thế 22kV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều có thể đấu nối với các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để nhanh chóng giải tỏa công suất cho các dự án đã lắp đặt.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm ở mức cao, tình hình cung ứng điện của EVN trong giai đoạn 2020 – 2025 đối mặt với nhiều khó khăn. Dự kiến EVN sẽ phải huy động sản lượng lớn nguồn nhiệt điện dầu đắt tiền và có nguy cơ khó cân đối được cung-cầu điện trong các năm tới. Vì vậy, nhằm tăng cường nguồn điện trong giai đoạn tới đây, ngành điện luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để khuyến khích nhà đầu tư tham gia lắp đặt, phát triển ĐMTMN, phù hợp với cơ chế khuyến khích theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

 Nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà

Nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà

Tính đến ngày 13/8/2020, triên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có 9.165 hệ thống ĐMTMN được lắp đặt và đấu nối vào hệ thống lưới điện, với tổng công suất 125,16MWp. Là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong sử dụng điện cho phát triển được địa phương triển khai từ lâu và đã đạt được một số thành quả nhất định, đến nay tỷ trọng nguồn NLTT đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của thành phố. Giai đoạn phát triển sắp tới, để đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa, tỷ trọng này tiếp tục được nâng cao do tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN. Qua khảo sát sơ bộ của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của một số nhóm như sau: Hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông) 153,95 MWp; sản xuất 1.471,77 MWp; thương mại 145,88 MWp. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng ĐMTMN ở TP.Hồ Chí Minh ước tính khoảng 6.300MWp. Nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp thì ĐMTMN có khả năng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, dự kiến thời gian tới, số lượng khách hàng và công suất ĐMTMN sẽ tăng nhanh, đặc biệt là các hệ thống lớn, có công suất tương đương 1MWp do các chủ đầu tư đang tranh thủ các điều kiện ưu đãi của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hệ thống ĐMTMN, Tổng công ty đã công bố công khai, minh bạch và thống nhất trên website chăm sóc khách hàng (cskh.hcmpc.vn) Quy trình về trình tự, thủ tục đăng ký thỏa thuận đấu nối, điều kiện thỏa thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN; danh sách các hệ thống ĐMTMN đã vào vận hành; danh sách các trạm biến áp, đường dây chưa bị quá tải và lượng công suất ĐMTMN còn khả năng đấu nối theo từng khu vực quận, huyện.

"Đến nay, TP.Hồ Chí Minh chưa có trạm biến áp nào quá tải, toàn bộ 638 tuyến dây trung thế 22kV đều có thể đấu nối với các dự án ĐMTMN để nhanh chóng giải tỏa công suất cho các dự án đã lắp đặt, các chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN có thể yên tâm khi đầu tư. Tổng công ty cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trung áp các khu vực đầy, quá tải trong năm 2020, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích tối đa cho các nhà đầu tư tham gia phát triển ĐMTMN mà không làm quá tải trạm biến áp 110kV" - Ông Bùi Trung Kiên cho biết.

EVNHCMC đã yêu cầu các đơn vị, đối với các hệ thống ĐMTMN đấu nối lưới trung áp trong vòng 2 ngày làm việc phải thực hiện xong thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-giai-toa-cong-suat-dien-mat-troi-142703.html