TP Hồ Chí Minh: Giúp người lao động tránh bẫy tín dụng đen
Trong 32 năm qua, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (tiền thân là Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) đã nỗ lực đưa những đồng vốn cùng các dịch vụ tiết kiệm, phát triển cộng đồng đến tận tay 5,4 triệu lượt hộ gia đình, công nhân lao động nghèo tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với số tiền trên 83.000 tỉ đồng.
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, những đồng vốn này đã kịp thời hỗ trợ người lao động, công nhân vượt qua khó khăn, hạn chế tình trạng vay tín dụng đen, từng bước ổn định cuộc sống và đi lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP.
Thưa ông, vì sao một số người lao động, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh lại dễ vướng vào tín dụng đen?
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, khiến điều kiện việc làm, thu nhập của người lao động không ổn định, thu nhập giảm sút so với trước. Trong khi đó, nhiều hình thức cho vay tín dụng đen bủa vây công nhân, người lao động. Nhiều người nghĩ rằng, vay để giải quyết khó khăn trước mắt nên đã làm liều vay tín dụng đen, sau đó bị tính lãi suất cao và càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Mặt khác, đa số người lao động không có khoản tích lũy, phòng khi ốm đau, hữu sự trong khi thu nhập giảm sút nên cũng dễ vướng vào nạn tín dụng đen.
Chính vì vậy, đây là cơ hội cho tín dụng đen tiếp cận, là nhân tố gây mất ổn định đời sống, việc làm của công nhân, người lao động và an ninh trật tự xã hội nói chung. Bởi tín dụng đen cho vay rất nhanh với lãi suất rất cao, ẩn dưới danh nghĩa nhiều loại phí, từng bước bào mòn người đi vay, kèm các thủ đoạn đòi nợ phi pháp, khiến cho nhiều công nhân phải nghỉ việc, lâm vào tình trạng khốn quẫn.
Thưa ông, trong thời gian qua CEP đã có những hoạt động gì để hỗ trợ công nhân, người lao động tránh xa bẫy tín dụng đen?
Trong 32 năm hình thành và phát triển, CEP đã hỗ trợ vốn vay cho 5,4 triệu lượt hộ gia đình công nhân - lao động nghèo tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với số tiền trên 83.000 tỉ đồng. Hiện nay, Tổ chức Tài chính vi mô CEP tiếp tục chung tay cùng Công đoàn TP Hồ Chí Minh mở rộng phạm vi phục vụ công nhân, người lao động trong hành trình vượt nghèo thông qua việc thành lập thêm các chi nhánh, phòng, điểm giao dịch, điểm tư vấn tại các địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất để họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
CEP cũng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện quy trình và thủ tục, cải tiến sản phẩm tiết kiệm đoàn viên, giúp công nhân, người lao động có thói quen tiết kiệm để dự phòng cho các rủi ro phát sinh, tránh vay tín dụng đen. Song song đó, CEP cũng tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho lao động khó khăn thông qua các chương trình như "Mái nhà CEP", "Học bổng CEP", "Hỗ trợ tài chính khẩn cấp".
Bên cạnh đó, với mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2028, CEP sẽ tập trung hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt công nhân, người lao động vay trên 50.000 tỉ đồng; huy động tiền gửi có kỳ hạn là 2.500 tỉ đồng; huy động tiết kiệm từ đoàn viên, người lao động là 1.200 tỉ đồng; hỗ trợ phát triển cộng đồng cho 195.000 lượt công nhân, người lao động với tổng kinh phí 60 tỉ đồng; tổ chức cho 63.000 lượt công nhân tham gia các hoạt động phòng chống tín dụng đen và tư vấn tài chính cá nhân cho 76.000 công nhân...
Mặt khác, CEP cũng tăng cường huy động nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước; đẩy mạnh huy động tiền gửi có kỳ hạn từ tổ chức, cá nhân, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ các cấp Công đoàn; tăng cường huy động tiết kiệm đoàn viên từ công nhân, người lao động.
Trong thời gian tới, CEP sẽ làm gì để lan tỏa thông tin nguồn quỹ này đến với công nhân, người lao động để gia tăng hiệu quả hơn nữa, thưa ông?
Để gia tăng hiệu quả của CEP và lan tỏa nguồn quỹ đến với đông đảo người lao động, trước tiên Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cần có chủ trương để LĐLĐ các cấp tham gia gửi tiền có kỳ hạn tại CEP, qua đó gia tăng nguồn vốn phục vụ công nhân và người lao động; cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về quản lý tài chính đối với CEP trên cơ sở Luật các tổ chức tín dụng và văn bản pháp luật chuyên ngành; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa Luật, Thông tư, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn hoạt động tài chính vi mô.
Ngoài ra, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo Công đoàn các cấp, các đơn vị trực thuộc phối hợp và tích cực hỗ trợ CEP triển khai hoạt động đến người lao động; có cơ chế khuyến khích các cấp Công đoàn trực thuộc gửi tiền có kỳ hạn tại CEP. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP Thủ Đức, các quận, huyện và các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh... phối hợp với các chi nhánh CEP triển khai hoạt động đến các đơn vị trên địa bàn; duy trì, bổ sung nguồn tiền gửi có kỳ hạn; giới thiệu, tạo điều kiện để CEP đẩy mạnh triển khai chương trình phòng chống tín dụng đen trong Công đoàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!