TP Hồ Chí Minh: Hạ tầng 'chuyển mình' nhờ cơ chế

Hơn 1 năm sau khi thực hiện cơ chế đặc thù (Nghị quyết 98 của Quốc hội), nhiều dự án hạ tầng ở TPHCM đã có sự thay đổi đáng kể, nhanh hơn so với dự kiến. Điều này trái ngược với những dự án bị chậm tiến độ trước đó.

Dự án Vành đai 3 TPHCM rút ngắn thời gian nhờ cơ chế đặc thù.

Dự án Vành đai 3 TPHCM rút ngắn thời gian nhờ cơ chế đặc thù.

Hàng loạt dự án “về đích sớm”

Thời gian thực hiện các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị thường mất vài năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, khoảng 1 năm qua tại TPHCM, nhiều dự án hạ tầng đã được “cởi trói”, hoàn thành công việc nhanh hơn trước khá nhiều, từ 3 - 6 tháng.

Đầu tiên là dự án đường nối Phan Thúc Duyện và Cộng Hòa dài hơn 4km. Dự án khởi công vào những ngày cuối cùng của năm 2022 và hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số hạng mục như hầm chui đường Phan Thúc Duyện cùng hơn 1km đường (đoạn gần nút giao Cộng Hòa), nhằm giảm áp lực giao thông xung quanh. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án có nguồn vốn gần 4.850 tỷ đồng này sẽ hoàn thành cuối năm 2024. Việc hoàn thành một số gói thầu trước thời hạn cũng như chỉ mất khoảng 2 năm để thi công toàn bộ dự án là tín hiệu rất tích cực đối với “bức tranh” hạ tầng tại thành phố. Bởi đây là dự án nằm ở quận trung tâm, thi công trong điều kiện phải đảm bảo an toàn và “thông mạch” giao thông.

Ngoài dự án trên, 2 dự án hạ tầng quan trọng khác là mở rộng đường quốc lộ 50 (đoạn qua huyện Bình Chánh) và nút giao An Phú cũng được hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch trước đó. Tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức), nút giao khác mức khá phức tạp và lớn nhất ở TPHCM với quy mô 3 tầng gồm nhiều cầu vượt, hầm chui cũng được hoàn thành sớm hơn kế hoạch khoảng 3 - 6 tháng, tùy từng gói thầu. Theo đó, toàn bộ nút giao sẽ được thông xe vào ngày 30/4/2025. Sau khi khởi công cuối năm 2022, việc thi công dự án nút giao này đã phải nỗ lực rất nhiều bởi đây là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường lớn như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn vào cảng Cát Lái, xa lộ Hà Nội… Trong khi đó, dự án mở rộng quốc lộ 50 dài gần 7km cùng nguồn vốn 1.500 tỷ đồng cũng đang nỗ lực hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự án quan trọng nối TPHCM và tỉnh Long An, Tiền Giang cùng trục cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đã hoàn thành hơn một nửa khối lượng công việc.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TPHCM, chủ đầu tư của các dự án trên, thì Nghị quyết 98 như một làn gió mới, mở ra nhiều cơ chế, tạo sự đột phá, khởi thông các điểm nghẽn hạ tầng ở thành phố. “Vừa qua dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, chủ đầu tư được thỏa thuận với người dân trong cơ chế giải phóng mặt bằng giúp cho mức bồi thường tiệm cận với giá trị trường. Đây là cơ chế mà TPHCM sẽ áp dụng khi thực hiện một số dự án khác trong thời gian tới với mục tiêu hoàn thành nhanh nhất có thể” - ông Phúc cho biết.

Sức bật cho dự án mới

Không chỉ có các dự án đang thực hiện thời gian qua, những cơ chế linh hoạt từ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 còn giúp cho việc giải quyết thủ tục các dự án hạ tầng được đẩy nhanh hơn. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, ngành giao thông thành phố thời gian qua đã tận dụng triệt để những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để đẩy nhanh thủ tục nhằm khởi công một loạt dự án quan trọng vào năm 2025 tới. Trong số này có các dự án như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Chơn Thành, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa…

Ngoài ra, một số dự án được coi là gặp khó về nguồn vốn, thủ tục cũng đang gấp rút hoàn thành. Đó là các dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hay BT (xây dựng - chuyển giao) trên các con đường hiện hữu. Những dự án này từng gặp khó về thủ tục bởi nguồn vốn xây dựng lớn nhưng lại không được thu hút vốn từ doanh nghiệp. Việc gỡ bỏ vướng mắc này sẽ giúp một số dự án như án cải tạo quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 22… trên địa bàn thành phố được dễ dàng hơn. Theo tính toán, các dự án trên có nguồn vốn lên tới gần 45.000 tỷ đồng và sẽ không thể thực hiện được, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách.

Có thể nói, thay vì chậm tiến độ hoặc “bị ngâm” từ năm này qua năm khác, nhờ sự linh hoạt trong cơ chế đặc thù đã khiến nhiều dự án hạ tầng tại TPHCM có sự chuyển biến rõ rệt trong thời gian qua. Điều này mang tới nhiều tín hiệu tích cực cho mạng lưới hạ tầng ở TPHCM thời gian tới.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-ha-tang-chuyen-minh-nho-co-che-10290391.html