TP Hồ Chí Minh: Hài hòa lợi ích khi bảng giá đất tăng

Bảng giá đất hiện hành của thành phố Hồ Chí Minh đã quá 'lạc hậu', chênh lệch lớn so với giá thị trường, thành phố đang dự thảo bảng giá đất điều chỉnh. Tuy nhiên, cần có các giải pháp linh động để giảm thiểu tác động tiêu cực, hài hòa lợi ích các bên.

Một khu đất rộng lớn còn bỏ trống tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Nguyễn Lê

Một khu đất rộng lớn còn bỏ trống tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Nguyễn Lê

“Lạc hậu” 10 năm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, bảng giá đất hiện hành được ban hành theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND thành phố bị khống chế bởi khung giá đất được Chính phủ ban hành theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP với mức giá tối đa là 162 triệu đồng/m². Do đó, bảng giá theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND buộc phải kế thừa giá đất năm 2014 ban hành theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND thành phố. Do đó, bảng giá đất trên địa bàn thành phố đã ban hành qua 10 năm và chưa được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, bảng giá đất hiện hành cũng chưa cập nhật giá tái định cư đã phê duyệt. Theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024, trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá đất thì phải bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư.

Việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động mạnh mẽ đến 5 huyện (Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ) bởi các địa phương này quỹ đất còn nhiều, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng còn cao.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên tắc của công tác điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện dựa trên cập nhật các cơ sở dữ liệu giá đất đã được phê duyệt tại các dự án bồi thường, dự án nộp tiền sử dụng đất và giá giao dịch thành công do các cơ quan đăng ký đất đai cũng như cơ quan thuế cung cấp. Do đó, giá đất tại bảng giá đất điều chỉnh là phù hợp với tình hình thực tế.

Khu vực ngoại thành có nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, qua đó góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của huyện, đặc biệt là hạ tầng giao thông và làm tăng giá trị quyền sử dụng đất của người dân trên địa bàn.

Thực tế, giá đất tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được phê duyệt tại các dự án này được xác định theo các phương pháp xác định giá đất cụ thể (giá thị trường), phù hợp với tình hình thực tế tại các huyện và nhận được sự đồng thuận cao của người dân tại các địa phương này.

Nguồn lực đất đai giá trị lớn của thành phố Hồ Chí Minh còn rất lớn (một khu đất ở thành phố Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Lê

Nguồn lực đất đai giá trị lớn của thành phố Hồ Chí Minh còn rất lớn (một khu đất ở thành phố Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Lê

Cần có chính sách hỗ trợ đối tượng gặp bất lợi

Như Báo Hànôịmới đã thông tin, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tác động tích cực, đưa đất đai về đúng giá trị thực, khơi thông nguồn lực đất đai và giúp người có đất bị thu hồi giảm thiểu thiệt thòi.

Tuy vậy, cũng có lo ngại, việc điều chỉnh bảng giá đất, chịu thiệt thòi nhất là những hộ dân có nhà đất thuộc các khu vực “quy hoạch treo”. Nhiều năm qua, các hộ dân này không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất theo giá thấp. Nếu sắp tới được xóa quy hoạch, đối tượng này lại chịu thiệt thòi lần hai vì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất rất cao theo bảng giá đất mới.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế trên địa bàn thành phố có tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch dẫn đến người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch bị hạn chế quyền như chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Nay, thực hiện điều chỉnh bảng giá đất và áp dụng giá đất tại bảng giá đất để tính các nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch này có phát sinh những bất cập.

“Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận những bất cập nêu trên và sẽ thực hiện tổng hợp trong quá trình tham mưu UBND thành phố báo cáo các cơ quan Trung ương xem xét, chấp thuận ban hành chính sách phù hợp đối với các trường hợp này”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, bảng giá đất điều chỉnh cũng có những tác động không mong muốn. Do đó, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các cơ quan quản lý để đảm bảo việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ mang lại lợi ích tối đa và giảm thiểu các tác động tiêu cực.

“Cơ quan tham mưu đã thực hiện các khảo sát, tham vấn với nhiều chuyên gia và các đơn vị liên quan để đảm bảo rằng việc điều chỉnh giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường. Ngoài ra, cần có các biện pháp hỗ trợ người dân tích cực hơn, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, giúp họ giảm bớt áp lực tài chính do giá đất tăng. Thành phố cũng cần tập trung vào việc quản lý và quy hoạch đất đai một cách hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng giữa đô thị hóa và bảo vệ đất nông nghiệp. Mặt khác, cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để đảm bảo rằng việc tăng giá đất là hợp lý”, Tiến sĩ Trần Quang Thắng nhìn nhận.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-hai-hoa-loi-ich-khi-bang-gia-dat-tang-677423.html