TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh để tăng thu ngân sách

Trước thực tế nguồn thu thuế nội địa đang có dấu hiệu suy giảm, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều giải pháp ứng phó như tăng cường công tác dự báo, phân tích, chống thất thu; đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nộp thuế ổn định và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh…

Nhiều yếu tố tác động đến thu ngân sách

Liên quan đến tình hình huy động thuế nội địa, chia sẻ tại hội nghị triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023 được Tổng cục Thuế tổ chức ngày 27/4 theo hình thức trực tuyến, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã triển khai nhiệm vụ thu năm 2023 trong bối cảnh kinh tế địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Thái Minh Giao trình bày giải pháp thu ngân sách tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Doãn

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Thái Minh Giao trình bày giải pháp thu ngân sách tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Doãn

Mặc dù vậy, số thu nội địa của TP. Hồ Chí Minh quý I/2023 vẫn tăng trưởng 3,5% (so với cùng kỳ năm 2022). Nguyên nhân tăng chủ yếu là nhờ vào tác động của Nghị định số 91/2022/NĐ-CP làm chuyển dịch nguồn thu từ năm trước chuyển sang (ước tính tăng thu từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN khoảng 10.000 tỷ đồng).

Những biến động tiêu cực từ thị trường tài chính và thị trường bất động sản, cùng với nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đã tác động đến tình hình kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2023, cụ thể như chỉ số GRPD chỉ tăng 0,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,9%, kim ngạch xuất khẩu giảm 16,8%... Trong khi đó, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm quy mô sản xuất dẫn đến sa thải nhiều lao động đã ảnh hưởng tới một số nguồn thu chính của thành phố.

Nếu loại trừ yếu tố về chính sách và các khoản thu đột biến trong kỳ thì số thu của quý I/2023 lại giảm 1,1%, trong đó hầu hết các khoản thu đều giảm như thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 4,7%, thuế tiêu thu đặc biệt giảm 13%, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) giảm gần 54%, lệ phí trước bạ giảm 21%...

Ngoài ra, ảnh hưởng của chính sách quy định về mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn và chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng làm giảm số thu thuế và tiền thuê đất trong các tháng đầu năm.

Dự báo, việc suy giảm các khoản thu nêu trên có thể kéo dài nên công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Tiếp nhận hồ sơ khai nộp thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Tiếp nhận hồ sơ khai nộp thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Hỗ trợ để người nộp thuế phục hồi sản xuất kinh doanh

Về các giải pháp ứng phó với diễn biến không mấy tích cực này, ông Giao cho biết, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai 5 giải pháp. Đó là chủ động rà soát tình hình kê khai của doanh nghiệp (DN); phân tích, phát hiện và kiểm tra các tờ khai có mâu thuẫn; tăng cường kiểm tra việc khai thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn gian lận thuế; đôn đốc kịp thời số thuế phát sinh vào NSNN.

Đồng thời, theo dõi, đánh giá, thống kê các khoản thu được gia hạn để đôn đốc DN nộp khi đến hạn; tiếp tục tăng cường quản lý thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS); phối hợp chặt chẽ với các sở ngành để có thông tin về giao dịch, chuyển nhượng, sở hữu, sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất để phục vụ công tác quản lý thu hiệu quả.

Giải pháp thứ hai là chủ động rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền thuế nộp thừa, giải quyết hồ sơ trong các trường hợp chênh lệch số liệu; theo dõi tiến độ, triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định, công tác khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội.

Giải pháp thứ ba là đẩy nhanh việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 cho các DN; ưu tiên bố trí nguồn lực trong hoàn thuế GTGT nhằm đảm bảo việc hoàn thuế GTGT kịp thời và đúng quy định giúp DN có nguồn vốn kịp thời tái sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, hướng dẫn chính sách gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 nhằm đảm bảo DN đều được thụ hưởng.

Giải pháp thứ tư là phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu chính quyền thành phố đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt, rà soát các phương án tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án BĐS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN sớm đi vào hoạt động, từ đó giúp tăng nguồn thu NSNN…

‘‘Cục thuế sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được duyệt, tập trung vào các lĩnh vực như tư vấn, thiết kế, xây dựng và kinh doanh BĐS, ngân hàng, cơ sở y tế, hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và kinh doanh thương mại điện tử; tiếp tục triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…’’ - ông Giao nhấn mạnh.

Theo ông Thái Minh Giao, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng hàng đầu là tập trung tăng cường hỗ trợ, cũng như tạo điều kiện cho người nộp thuế ổn định và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Song song đó, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu ngân sách gắn với tăng cường quản lý nợ thuế, đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, các cấp chính quyền trong công tác quản lý thu thuế.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-de-tang-thu-ngan-sach-126788.html