TP Hồ Chí Minh: Hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại
Sau 4 ngày thực hiện Chỉ thị 18 về 'Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội', TP Hồ Chí Minh đã có hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.
17 quận huyện đề nghị công nhận kiểm soát dịch
Chiều 4/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình chống dịch và những vấn đề được dư luận quan tâm.
Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng. chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 3/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã nhận được đánh giá của các đoàn kiểm tra từ các địa phương gửi về. Có 17 địa phương đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh công bố (17 địa phương này) đã kiểm soát được dịch. Cụ thể gồm các quận: 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức.
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, đến nay còn 3 quận chưa có báo cáo thẩm định của các đoàn kiểm tra, gồm: Quận 4, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn; Hai địa phương chưa được công nhận là Bình Tân và Bình Chánh.
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được chuyển biến tích cực, kết quả thể hiện số người nhập viện, số người bệnh nặng phải thở máy, số ca tử vong... tiếp tục giảm. Tính đến ngày 3/10, số người nhập viện chỉ còn 1.449, số người xuất viện là 2.743. Số người bệnh nặng phải thở máy trong ngày 2/10 là 1.536, ngày 3/10 là 724 người. Trong ngày 3/10, có 93 ca tử vong, trước đó ngày 2/10, số ca tử vong đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/8 là 79 ca.
Hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại
Ông Phạm Đức Hải cho biết, trong 3 ngày qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc, chuẩn bị tiếp tục hoạt động trở lại. Nhiều quận huyện làm việc với cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp để nắm thực trạng, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng tiếp tục sản xuất...
Thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, ông Phạm Đức Hải cho biết, trước ngày 1/10, có 288.000 làm việc tại các khu vực kể trên. Trong đó, trong thời gian giãn cách xã hội, có 70.000 lao động làm việc theo nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc một cung đường 2 điểm đến. Sau ngày 1/10 số lao động làm việc theo nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc một cung đường 2 điểm đến đã giảm xuống còn 45.000, số lao động còn lại đã chuyển sang làm việc bình thường.
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang có 135.000 lao động đang làm việc. Nhiều doanh nghiệp đang bổ sung nguồn lao động để phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
1,1 triệu người đã nhận được gói hỗ trợ lần 3
Ông Nguyễn Văn Lâm – đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 4/10, 312 phường xã của TP đã tiến hành chi trả hỗ trợ cho 1,1 triệu người trong gói hỗ trợ lần 3 (1 triệu đồng/người). Công tác chi trả được thực hiện liên tục kể cả ngày nghỉ. TP Hồ Chí Minh cũng đã cử 22 đoàn giám sát về các quận huyện để giám sát công tác chi trả, hỗ trợ cho người khó khăn.
Tại các điểm chi trả, việc kiểm soát dịch được thực hiện chặt chẽ, người đến nhận hỗ trợ tuân thủ quy tắc 5K. Tại mỗi điểm chi trả có tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân và cảnh sát khu vực kiểm tra từng người.., để đảm bảo đối tượng được nhận hỗ trợ là chính xác.
Kiểm tra hơn nửa triệu phương tiện lưu thông
Tại buổi họp báo, Thượng tá Trần Thanh Giang – Phó trưởng Phòng tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 4 ngày thực hiện chỉ thị 18, tại 54 chốt kiểm tra và kiểm tra lưu động, các lực lượng đã tiến hành kiểm tra hơn 547.000 phương tiện, lập biên bản xử lý 588 trường hợp vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là tiêm 1 mũi vaccine chưa đủ 14 ngày theo quy nhưng ra đường...
Về công tác hỗ trợ người dân về các tỉnh, trong các ngày 2- 3/10 đã có khoảng 24.000 người về các tỉnh miền Tây Nam bộ. Số lượng người xuất phát từ TP Hồ Chí Minh là hơn 8.000; còn lại là người từ Bình Dương, Đồng Nai xuyên TP Hồ Chí Minh để về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lực lượng công an đã hỗ trợ dẫn đường, đến địa phận tỉnh lân cận bàn giao, đi về có tổ chức, đảm bảo đoàn không bị tách...
Cũng liên quan đến công tác kiểm soát giao thông, theo đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, tính từ ngày 2/10 đến 15 giờ ngày 4/10, Sở GTVT đã nhận được 6.937 đơn đề nghị của người dân đi các tỉnh để đưa người thân trở lại TP.
Tính đến 15 giờ chiều ngày 4/10 đã giải quyết được 2.590 bằng phương thức thủ công. Cũng theo đại diện Sở GTVT, lượng đơn đề nghị đón người từ các tỉnh về lại TP tăng lên hàng giờ, do là vấn đề mới, chưa có hỗ trợ từ công nghệ thông tin nên 40 chuyên viên phải giải quyết bằng phương thức thủ công. Việc phối hợp giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh để đưa người trở lại TP gặp một số trục trặc tại các chốt kiểm tra tại các tỉnh thành liên quan.