TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

TP. Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn người lao động quy trình nộp các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh qua thống kê trên toàn thành phố, tính đến hết tháng 10/2022, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là gần 249.000 với tổng số lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 2.496.000 người, tăng 345.660 người so với cùng kỳ năm 2021. Trong những tháng cuối năm, dự kiến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm 43.000 lao động dịp lễ, Tết.

 Hướng dẫn người lao động bị mất việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hướng dẫn người lao động bị mất việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động thì cũng có một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, phải cắt giảm lao động. Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có hơn 128.000 người mất việc, đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11/2022, 2 công ty thông báo cắt giảm số lượng lao động lớn nhất là Công ty Việt Nam Samho ở Củ Chi, Công ty TNHH Tỷ Hùng ở Bình Tân... Nguyên nhân cắt giảm lao động đều là thiếu đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp giảm đơn hàng, buộc phải thực hiện sắp xếp lại thời gian làm việc như không có tăng ca, cho công nhân nghỉ thêm ngày thứ bảy… Các doanh nghiệp tìm mọi cách để giữ chân người lao động để có đủ nguồn lực làm việc khi có đơn hàng mới.

Từ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã làm tăng số lượng lao động thất nghiệp và đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trước thực tế này, Sở Lao động Thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các phòng nghiệp vụ phối hợp với Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở để nghe ý kiến của doanh nghiệp, công đoàn tại các công ty có khó khăn sản xuất. Qua làm việc, một số doanh nghiệp rơi vào tình thế phải cắt giảm lao động cam kết sẽ cố gắng duy trì cho những lao động làm việc chưa đủ 12 tháng tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng, để họ có đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, có thêm khoản hỗ trợ lúc khó khăn.

Hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho người lao động

Theo bà Lê Thị Kiều Phượng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ trực tiếp cho đơn vị. Cụ thể hồ sơ gồm: mẫu số 3 đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Nơi đăng ký khám chữa bệnh; Số điện thoại; Số tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng, chi nhánh mở thẻ ngân hàng của người nộp hồ sơ.

Người lao động cũng cần nộp kèm bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thôi việc/quyết định sa thải. Đồng thời, photo 1 sổ bảo hiểm xã hội được chốt đến tháng nghỉ việc có đầy đủ các tờ rời (nộp kèm theo bản chính để đối chiếu) và photo 1 bản CMND/CCCD.

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì Trung tâm sẽ xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 18 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ Bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động. Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Trung tâm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Về nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp, trong vòng 5 ngày kể từ thời điểm có quyết định, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính bằng 60% mức lương bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó.

Ngoài ra, hằng tháng, người lao động thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo Mẫu số 16 và kê khai đúng tình trạng việc làm gửi theo đường bưu điện bằng thư bảo đảm đến một trong các điểm tiếp nhận của đơn vị. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm; đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì người lao động phải đến trực tiếp một trong các điểm tiếp nhận của Trung tâm để nộp hồ sơ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối người lao động mất việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố để huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho người lao động khi bị nghỉ việc...

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-huong-dan-cac-thu-tuc-huong-tro-cap-that-nghiep-230774.html