TP Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính quốc gia. Vì vậy, khát vọng của Thành phố không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước mà còn tiến tới bắt kịp các thành phố thành công trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á nói chung.

Tạo đột phá để vươn xa

Trong tầm nhìn chiến lược phát triển của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, việc trở thành trung tâm tài chính quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh Thành phố đang bị chững lại so với các đô thị khác trong nước và không theo kịp với các đô thị thành công trong khu vực.

Có thể thấy, tỷ lệ đóng góp GDP cả nước gần như không đổi, tốc độ tăng trưởng năng suất của TP Hồ Chí Minh không cao hơn mặt bằng chung của toàn nền kinh tế. Không những thế, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP Hồ Chí Minh giảm mạnh, từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống chỉ còn 18% giai đoạn 2017 – 2020. Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải, ách tắc và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của Thành phố như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư, không chỉ thế còn tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Trước bối cảnh này, TP Hồ Chí Minh phải lựa chọn chiến lược phát triển để tạo sự đột phá nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống và chất lượng sống của người dân, củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng vị thế và tầm quan trọng của thành phố ở Việt Nam và trong khu vực. Có như vậy, TP Hồ Chí Minh mới có động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.

Với lợi thế vốn có của một trung tâm kinh tế, tài chính quốc gia năng động, TP Hồ Chí Minh xác định phải trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á. Theo đó, mục tiêu Thành phố đề ra là cung cấp các dịch vụ tài chính bao gồm huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính… Ban đầu là cho các hoạt động kinh doanh hải ngoại, sau đó trở thành Trung tâm tài chính khu vực, tiến tới Trung tâm tài chính quốc tế và toàn cầu.

Nhiều lợi thế tiềm năng

Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này có thể thực hiện thành công bởi hiện nay, vị thế của TP Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên quan trọng và được củng cố khi đặt trong mối liên kết vùng, bao gồm 7 tỉnh lân cận: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Về vận chuyển hàng không, trong tổng số 106 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa (tính tổng các hãng bay trong nước và quốc tế) của cả nước, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phục vụ 38,3 triệu hành khách (vượt công suất thiết kế gần 37%) và 300 ngàn tấn hàng hóa.

Mặt khác, Quyết định 2076/QĐ-TTg (2017) cũng đã đặt mục tiêu phát triển vùng TP Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được định vị là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực, như trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế…

Xét về hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng vốn huy động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiếm 27,2% tổng vốn huy động cả nước vào cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay ở thành phố cũng chiếm tới 28,1% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến hết ngày 30/09/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) TP Hồ Chí Minh có 377 cổ phiếu, 03 chứng chỉ quỹ đóng, 02 chứng chỉ quỹ ETF, 28 chứng quyền có bảo đảm và 47 trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết với tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là 83.138 triệu cổ phiếu. Theo đó, tổng giá trị vốn hóa tại Sở GDCK TP Hồ Chí Minh đạt 3,37 triệu tỷ đồng, tăng 17,24% so với đầu năm, tương ứng 60,9% GDP năm 2018. Đối với giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, tính riêng trong quý 2/2019 giá trị giao dịch nhà đầu tư mua vào đạt 90 nghìn tỷ đồng.

Xét trên tổng thể, TP Hồ Chí Minh vẫn giữ vị thế đứng đầu trong thu hút FDI. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, ngoài những tiềm năng trên, TP Hồ Chí Minh cũng phải cải thiện chính sách để tăng cường năng lực cạnh tranh, gia tăng vị thế so sánh với các thành phố khác trên trường quốc tế. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng phải nâng cao chất lượng nguồn lao động; cải thiện môi trường kinh doanh; cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị phù hợp với chất lượng môi trường sống; quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tài chính và danh tiếng…

Bởi hiện nay, xu hướng phát triển ngành tài chính đang có nhiều biến chuyển, đột phá so với truyền thống với những sản phẩm mới và dịch vụ mới dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, công nghệ. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho những thị trường năng động, sáng tạo và đón bắt được xu thế, dẫn dắt hướng đi tương lai của ngành công nghiệp này.

Nhằm góp phần định hướng, xây dựng Đề án phát triển Thành phố trở thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị White Palace (108 Phạm Văn Đồng, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) trong 2 ngày 18 và 19/10. Diễn đàn do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HUBA) phối hợp với Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh và Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần định hướng, xây dựng Đề án phát triển Thành phố trở thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn trao đổi giữa Lãnh đạo thành phố với các chuyên gia nghiên cứu và các tổ chức tài chính, đầu tư trong nước và quốc tế xoay quanh bốn chủ đề chính: Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng – mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền Thành phố để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Diễn đàn năm nay dự kiến sẽ có sự tham dự của hơn hơn 800 đại biểu bao gồm Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, các định chế tài chính quốc tế (IMF, IFC, ADB...), các chuyên gia tài chính, đại diện lãnh đạo các Trung tâm Tài chính trên thế giới, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp cùng với sự góp mặt của 30 diễn giả trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn có nhà tài trợ vàng: Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý quận Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG),Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, Tập đoàn Novaland,Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp). Nhà tài trợ bạc: Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM).

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doanh-nghiep-san-pham-dich-vu/tp-ho-chi-minh-huong-toi-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-20191017154133177.htm